Sử dụng AI để tìm kiếm bom, mìn chưa phát nổ ở Campuchia

Giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh luôn là nhiệm vụ phức tạp và tốn kém đối với bất cứ quốc gia nào. Bom mìn, vật liệu nổ nằm sâu, rải rác dưới lòng đất rất khó phát hiện và là mối đe dọa tiềm ẩn với tính mạng người dân trong khu vực.

Mới đây, một hệ thống AI đã được triển khai nhằm hỗ trợ tìm kiếm, khắc phục hậu quả bom mìn chưa phát nổ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh tại một số khu vực thuộc Campuchia nằm giáp ranh với Việt Nam.

Hệ thống này được phát triển bởi các nhà khoa học máy tính đến từ Đại học bang Ohio, sử dụng các thuật toán nhận dạng đối tượng để phát hiện những đặc điểm riêng biệt của các hố bom, bao gồm hình dạng, màu sắc, kết cấu và kích thước của chúng. Dự án hiện đang được triển khai thử nghiệm đầu tiên tại tỉnh Prey Veng, miền Đông Campuchia, để tìm các miệng hố trong một ngôi làng ở khu vực từng bị quân đội Hoa Kỳ ném bom rải thảm cách biên giới Việt Nam khoảng 30km.

Kết quả thực tế cho thấy hệ thống AI đã giúp tăng khả năng phát hiện miệng hố bom thêm hơn 160% so với các thuật toán nhận dạng mục tiêu tiêu chuẩn, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE. Các nhà nghiên cứu sau đó đã kết hợp kết quả thu được với hồ sơ quân sự về các vụ ném bom trong khu vực và đúc kết thành bản đồ rà phá bom mìn chưa nổ trong theo từng khu vực cực kỳ chi tiết.

Giải pháp mới cho công cuộc rà phá bom mìn

Vào tháng 3 năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đang ở giai đoạn ác liệt, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu triển khai các cuộc tấn công ném bom bí mật ở khu vực biên giới Campuchia tiếp giáp với Việt Nam. Sau 4 năm chiến dịch kết thúc, ước tính hàng trăm ngàn tấn chất nổ đã được ném xuống các khu vực này, rất nhiều trong số đó chưa phát nổ và còn nằm rải rác trong lòng đất, gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân cả 2 nước Việt Nam và Campuchia.

Khu vực ô nhiễm bom mìn

Dọn sạch những khu vực bị ô nhiễm bom mìn là một quá trình nguy hiểm và tốn kém, cả về công sức lẫn tiền bạc. Phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay là xác định vị trí vật liệu nổ trong lòng đất bằng máy dò kim loại và radar, sau đó tiến hành đào thủ công rất mất thời gian và nguy hiểm, trong khi độ chính xác không thực sự cao. Những mô hình AI như của Đại học Ohio nếu được triển khai rộng rãi sẽ mở ra hướng đi mới, hiệu quả hơn cho công cuộc rà phá bom mìn ở những khu vực ô nhiễm vật liệu nổ trên toàn thế giới.

Thứ Ba, 31/03/2020 10:45
31 👨 344
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ nhân tạo (AI)