Khi một vị tỷ phú muốn chứng tỏ sự giàu có của mình, ông ta thường sẽ làm gì? Có người thì mua một lúc vài hòn đảo, có người chơi siêu xe, những người khác thì lại muốn tậu du thuyền, hay nhân văn hơn là đi làm từ thiện chẳng hạn. Các tỷ phú, như Richard Branson và Elon Musk, thường được biết đến với những thương vụ mua bán điên rồ, bởi đơn giản là khi bạn có đủ khả năng kiếm nhiều hơn 1 tỷ đô la một năm, bạn hoàn toàn có thể bỏ ra hàng triệu đô la để đầu tư vào các mặt hàng mà người bình thường không bao giờ dám mơ ước.
Nhìn chung, có hàng tá cách thức khác nhau để các vị tỷ phú thể hiện sự giàu có của mình, tuy nhiên, có một điểm chung mà tất cả họ đều sở hữu, đó là những bộ sưu tập máy bay riêng để phục vụ cho các chuyến công tác hay nghỉ dưỡng dài ngày. Vâng, đó chính là máy bay, một món “đồ chơi” xa xỉ, vừa hữu ích trong công việc, lại vẫn có thể giúp các tỷ phú thể hiện độ chịu chơi, sự giàu có của mình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá độ chịu chơi của các tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới thông qua những chiếc phản lực cơ xa xỉ của riêng họ.
Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, người đàn ông giàu nhất thế giới, sở hữu một chiếc máy bay dưới danh nghĩa công ty cổ phần Poplar Glen của mình.
Chiếc máy bay phản lực Gulfstream G650ER của Jeff Bezos có sức chứa 8 người và trị giá khoảng 65 triệu đô la. Gulfstream G650ER là chiếc máy bay có phạm vi hành trình dài nhất thế giới. Nó có thể thực hiện chuyến hành trình lên đến 7.500 hải lý (13.890km) ở tốc độ Mach 0.85, hoặc lên đến 6.400 hải lý (11.853km) với tốc độ hoạt động cao hơn Mach 0.90. Theo các thông số trên, chiếc Gulfstream G650ER này có thể bay không nghỉ giữa London và Tokyo hoặc New York và Bắc Kinh.
Nhà đầu tư thiên tài Mark Cuban sở hữu đến 3 chiếc máy bay phản lực. Vị tỷ phú cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017 rằng việc sở hữu những chiếc máy bay riêng là "mục tiêu mọi thời đại" của ông, bởi vì: "Món tài sản mà tôi coi trọng nhất chính là thời gian. Thời gian đem lại cho tôi tiền bạc, hạnh phúc, và những chiếc máy bay giúp tôi tiết kiệm thời gian".
Trước đó, Mark Cuban cũng đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness khi tậu chiếc máy bay đầu tiên của mình, đó là một mẫu máy bay phản lực cỡ nhỏ cũng của hãng Gulfstream, chiếc Gulfstream V, vào năm 1999. Thương vụ giao dịch trị giá 40 triệu đô la này của ông đã lập kỷ lục cho giao dịch internet lớn nhất từng được ghi nhận vào thời điểm đó.
Ngoài chiếc Gulfstream V, Mark Cuban còn sở hữu hai chiếc máy bay phản lực khác của Boeing. Cụ thể, vị tỷ phú đã mua một chiếc Boeing 757 để dùng như phương tiện giao thông cá nhân dành riêng để phục vụ cho Dallas Mavericks, đội bóng NBA thuộc sở hữu của ông kể từ năm 2000. Bên cạnh đó, Mark Cuban cũng đang nắm trong tay một chiếc Boeing 767 được thiết kế riêng theo yêu cầu.
Nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành Microsoft, Bill Gates đã nói rằng sở hữu máy bay riêng là "niềm vui tội lỗi" và "sự phô trương lớn nhất" trong cuộc đời của mình.
Bill Gates được cho là sở hữu một chiếc Bombardier BD-700 Global Express, mẫu máy bay phản lực tốc độ cao chuyên chở VIP, do Bombardier Aerospace chế tạo. Bombardier BD-700 Global Express có thể chứa tối đa tới 19 người, bay hơn 5.000 hải lý liên tục và có giá khoảng 40 triệu USD. Mặc dù diện tích không lớn nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy ở đây phòng bếp, 2 nhà vệ sinh và một phòng ngủ.
Tuy nhiên, Bill Gates không phải là thành viên đầu tiên của Microsoft sở hữu máy bay riêng với giá trị lên tới hàng chục triệu USD. Charles Simonyi là một nhà phát triển phần mềm người Hungary, người chịu trách nhiệm giám sát việc thiết kế và phát triển phần mềm Microsoft Office cho đến khi ông rời công ty vào năm 2002.
Ngoài việc sở hữu một chiếc du thuyền dài đến 71m, Charles Simonyi còn đứng tên một chiếc máy bay phản lực hiệu Dassault Falcon - mẫu máy bay không chỉ nổi tiếng với khả năng hỗ trợ tốt cho các chuyến bay tầm xa, mà còn đặc biệt ở chỗ toàn bộ thiết kế được thực hiện trên một nền tảng ảo bằng các phần mềm máy tính thiết kế riêng của nhà sản xuất Dassault. Tuy nhiên, việc “bay lòng vòng” trong bầu khí quyển của Trái đất là chưa đủ để thỏa mãn Simonyi. Vị tỷ phú này đã có hai chuyến đi tới trạm vũ trụ quốc tế (ISS), vào các năm 2007 và 2009.
Nhà sáng lập tập đoàn Oracle, Larry Ellison, ngoài tài năng thiên bẩm về công nghệ thông tin và kinh doanh, còn được biết đến với thú ăn chơi xa xỉ hay những thương vụ mua bán chẳng giống ai. Ngoài việc là ông chủ của một trong những hòn đảo đẹp nhất thuộc quần đảo Hawaii với giá hơn 600 triệu USD, Larry Ellison còn là một thủy thủ nhiệt tình và phi công đã được cấp phép. Thú vị hơn, con trai của vị tỷ phú, David Ellison, cũng là một phi công “đóng thế” đầy tài năng và đã được trải nghiệm những chuyến bay trên phi cơ riêng với cha mình từ khi mới chỉ 13 tuổi.
Larry Ellison không chỉ sở hữu vài hòn đảo lớn nhỏ và một đội đua du thuyền, mà ông còn nắm trong tay 2 chiếc máy bay chiến đấu quân sự, bao gồm một chiếc MiG-29 đã ngừng hoạt động và một chiếc SIAI-Marchetti S.211 vẫn bay bình thường vốn trước đây được sử dụng bởi không quân Ý. Trong một động thái khá hài hước liên quan, chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo không cho phép Larry Ellison “đặt mông” lên ghế lái của chiếc MiG-29 trong phạm vi lãnh thổ nước này bởi những lo ngại về vấn đề “an ninh quốc gia”. Đó cũng là lý do tại sao CEO của Oracle đành phải ngậm ngùi để đứa “con cưng” của mình làm vật trưng bày.
Steve Jobs - vị CEO quá cố của Apple, một trong những người đàn ông được coi trọng và ngưỡng mộ nhất trong thế giới công nghệ cũng đã từng sở hữu một chiếc Gulfstream V có sức chứa lên tới 15 người. Apple đã tặng chiếc máy bay riêng này cùng với khoảng 10 triệu cổ phiếu của công ty cho Steve Jobs thay vì tăng lương vào năm 2002.
Tuy nhiên, chiếc máy bay của Steve Jobs đã không rời khỏi gia đình Apple sau khi ông qua đời. Giám đốc thiết kế sản phẩm của Apple, Jony Ive, đã mua chiếc máy bay này "với mức chiết khấu đáng kể" từ phu nhân của vị CEO quá cố, bà Laurene Powell Jobs. Có một chi tiết khá trùng hợp đó là Jony Ive đã từng giúp Steve Jobs thiết kế nội thất máy bay và nói đùa rằng: “Ít nhất trong sự nghiệp của mình, tôi không phải thiết kế lại bất cứ thứ gì”.
Elon Musk, vị tỷ phú trẻ tuổi, CEO của Tesla và SpaceX, đã từng sở hữu một loạt máy bay tư nhân kể từ khi ông ra mắt các công ty của mình vào đầu những năm 2000. Cụ thể hơn, Elon Musk từng sở hữu một mẫu Dassault Falcon 900 đời 1994 12 chỗ ngồi, nhưng hồ sơ cho thấy nó đã được rao bán vào năm 2016. Hiện tại, Musk đang sở hữu một chiếc G650ER của hãng Gulfstream (giống với của Jeff Bezos).
Các hoạt động sử dụng máy bay riêng Elon Musk đã trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi nảy lửa vào tháng 1 vừa rồi. Vị giám đốc điều hành cho biết mình đã bay tổng cộng 150.000 dặm vào năm 2018 trên tàu bay xa xỉ trị giá 70 triệu USD Gulfstream G650ER, trong khi phía Tesla chỉ chịu chi trả 700.000 đô la cho khoản phí đi lại của vị tỷ phú, và thế là tranh cãi nổ ra.
Elon Musk từng có kế hoạch tự mình lái máy bay trong chương trình ra mắt Tesla và SpaceX, nhưng quyết định này cuối cùng bị hủy bỏ sau khi ông nhận được những lời khuyên cho sự an toàn của bản thân, và hơn nữa là vì trách nhiệm lớn lao mà Elon Musk đang phải gánh vác đối với con cái và các công ty của mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008, Elon Musk tự hào cho biết rằng ông đã từng lái qua một chiếc máy bay phản lực quân sự Aero L-39 Albatros thời Chiến tranh Lạnh, một chiếc Piper Meridian M500 6 chỗ ngồi và một chiếc Cessna Cites CJ2.
Nhà sáng lập Virgin Group, Richard Branson nổi tiếng với các khoản đầu tư xa hoa vào những món đồ chơi đắt tiền, bao gồm khu nghỉ mát tại vịnh Caribbean rộng 74 mẫu có tên là Necker, một chiếc tàu ngầm dưới nước trị giá hàng triệu đô la và một phương tiện đổ bộ đường biển theo kiểu quân sự.
Còn về máy bay, Richard Branson hiện đang sử dụng một chiếc Dassault Falcon 50 EX. Đây là phương tiện thường được vị tỷ phú dùng để di chuyển đến và đi từ hòn đảo tư nhân của mình ở Quần đảo Virgin thuộc Anh. Trước đây Branson cũng đã có một chiếc Falcon 900 EX, nhưng ông nói rằng mình cần một chiếc máy bay nhỏ hơn để phù hợp với phi trường mini trên đảo Necker.
Đối với những chuyến đi dài hơn, Richard Branson sẽ ngồi trên các chuyến bay của Virgin Atlantic, công ty hàng không thương mại của chính ông, cũng nhờ thế mà vị tỷ phú có thể tích lũy thêm kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế trong việc điều hành những chuyến bay thương mại.
Mặc dù vậy, sở thích của Richard Branson trong việc khám phá bầu trời không chỉ giới hạn ở những chiếc máy bay. Ông đã trở thành người đầu tiên vượt đại dương trên khinh khí cầu vào năm 1987, bay 50 mét trong một chiếc tàu lượn trên không vào năm 2003 và trong tương lai vị tỷ phú này còn dự định đưa khách du lịch lên vũ trụ thông qua công ty hàng không vũ trụ Virgin Galactic của mình.
Sự phát triển nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn của Google đã mang lại cho 2 nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page mỗi người một khối tài sản trị giá hơn 50 tỷ đô la. Bộ đôi này cũng đã đầu tư không tiếc tay vào một đội máy bay tư nhân thông qua công ty cổ phần chung của họ, Blue City Holdings.
2 nhà sáng lập của Google đã mua chiếc máy bay đầu tiên của họ vào năm 2005 từ hãng hàng không Qantas của Úc với giá 15 triệu đô la, đó là mẫu máy bay thương mại Boeing 767-200. Đáng nói là sau đó, họ đã chi thêm 10 triệu đô la cho việc thiết kế lại nội thất để biến nó thành một chiếc máy bay cá nhân xa xỉ có thể chứa được 50 người.
Một bản báo cáo vào năm 2012 đã cho biết rằng 2 nhà đồng sáng lập Google, cùng với cựu Giám đốc điều hành Eric Schmidt, 3 người này sở hữu cả thảy 8 chiếc máy bay. “Hạm đội” của bộ ba quyền lực nhất Google này bao gồm 2 chiếc Gulfstream Vs, 1 chiếc Boeing 757 và 1 mẫu máy bay chiến đấu Dassault/Dornier Alpha Jet.
Tuy nhiên, Sergey Brin và Larry Page không chỉ sở hữu các máy bay riêng, mà còn nắm trong tay nhà ga riêng, mua lại vào năm 2013. Nhà ga này được đặt tại Sân bay Quốc tế San Jose và tiêu tốn 82 triệu đô la chi phí xây dựng. Nó được vận hành bởi Signature Flight Support, và sử dụng để phục vụ nhân viên cấp cao và giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp khác nhau trong khu vực Thung lũng Silicon.
Bên cạnh đó, Google cũng đang vận hành một sân bay thứ hai thông qua công ty con bất động sản có tên PlanITAL Ventures LLC. Gã khổng lồ công nghệ này cũng đã nắm quyền điều hành Moffett Field vào năm 2014 từ tay NASA sau một bản hợp đồng cho thuê dài hạn lên tới 60 năm. Trước đó, các nhà đồng sáng lập của Google đã phải trả cho NASA khoản phí hàng năm lên đến hơn 1 triệu đô la gọi là chi phí để cất những chiếc máy bay riêng của họ vào một trong những nhà chứa máy bay của Moffett Field.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều vị tỷ phú USD khác, mối quan tâm của Larry Page đối với các phương tiện bay đã vượt ra ngoài phạm vi của máy bay phản lực tư nhân. Nhà đồng sáng lập Google đã đầu tư vào 2 dự án ô tô bay đầy tham vọng đó là Kitty Hawk và Opener, hứa hẹn sẽ cho xuất xưởng những sản phẩm thương mại đầu tiên trong vài năm tới.
Có thể nói máy bay riêng là một thú chơi tốn kém, nhưng không thể thiếu của các vị tỷ phú giàu có. Nó không chỉ giúp tiết kiệm thời gian trong mỗi chuyến đi, mà còn là vật dụng giúp họ thể hiện sự giàu có và đẳng cấp của mình. Trong tương lai, bên cạnh hàng không, có lẽ vũ trụ sẽ trở thành thú chơi mới của giới siêu giàu chăng?