Quản Trị Mạng - Tại hội nghị TechCrunch Disrupt, New York tuần trước, Carol Bartz, CEO của Yahoo đã nêu lên tầm quan trọng của dịch vụ tìm kiếm và coi nó là một loại hàng hóa.
Yahoo cũng lên kế hoạch sẽ duy trì dịch vụ tìm kiếm này bằng việc cá nhân hóa trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ tìm kiếm cùng với các dịch vụ đi kèm khác và làm cho các trải nghiệm này trở thành những trải nghiệm không dễ bị sao chép. Theo Stata, chìa khóa để làm cho các dịch vụ tìm kiếm được cá nhân hóa hơn chính là nhờ vào cơ sở hạ tầng CNTT của Yahoo. Stata đã nêu ra một ý tưởng khá rõ ràng về những hướng phát triển công nghệ cho hãng và cách thức để các hướng tiếp cận dựa trên đám mây có thể phục vụ cho tầm nhìn của Bartz về các trang web tương hỗ khác của Yahoo.
Yahoo cũng đã hoàn thành được phân nửa kế hoạch tiêu chuẩn hóa các kiến trúc thiết kế của mình. Hãng đã tuân theo một lộ trình được đặt ra từ 3 năm trước và đang lên kế hoạch triển khai các hoạt động CNTT theo 4 tầng: Tầng thứ nhất là tầng vật chất, bao gồm các máy chủ và thiết bị tại trung tâm dữ liệu. Tầng thứ hai là tầng kết cấu cơ sở hạ tầng, đây là lớp cơ bản của các phần mềm mà các sản phẩm Yahoo sẽ sử dụng như các máy chủ xác minh và máy chủ trình ứng dụng. Stata coi tầng thứ hai này chính là tầng “đám mây” của hãng. Bằng việc tách các cơ sở hạ tầng phần mềm như là các đám mây, Yahoo có thể đảm bảo độ tin cậy của các dịch vụ vì các nguồn lực có thể được tập trung và di chuyển trên cơ sở cung cấp theo nhu cầu. Tầng thứ ba là các nền tảng cụ thể để chạy các trình ứng dụng, bao gồm Web, điện thoại di động, iPads… Tầng thứ tư, cũng là tầng cuối cùng, sẽ là các trình ứng dụng.
Stata cũng thừa nhận kế hoạch chuyển các tài sản CNTT của Yahoo trở thành các chủ thể đám mây riêng lẻ là một nhiệm vụ quan trọng. Ví dụ như một bản sao trang chủ Yahoo trước đây cần đến 33 mã khác nhau, nhưng đến tháng 12 năm 2009 thì con số này chỉ còn là 1 mã. Trong một thời gian dài, việc tiêu chuẩn hóa và tách biệt hóa các chức năng làm cho công ty có thể tùy biến hình ảnh và cảm giác sử dụng cũng như các nội dung được lựa chọn cho mỗi người sử dụng riêng biệt. Công ty có thể phát triển các cách thức mới mẻ hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và áp dụng chúng trong những dịch vụ mà hãng cung cấp.
Bartz cũng đề cập đến việc trang chủ của Yahoo cũng đang sử dụng hàng triệu tùy biến khác nhau mỗi ngày. Trang web cứ thay đổi 5 phút một lần dựa trên 32,000 tùy biến và được thực hiện thông qua các kỹ thuật tối ưu hóa nội dung. “Chúng tôi biết người sử dụng quan tâm đến điều gì và không thích điều gì”. Stata cho biết mục tiêu lớn tiếp theo của hãng là tiến hành cá nhân hóa từng chuyên mục riêng biệt, ví dụ như các trang dành cho thể thao, công nghệ…
Hãng cũng đang nỗ lực để lọc ra các thuật toán có thể giúp tự động hóa quá trình cá nhân hóa này. Ví dụ như hiện tại, hãng đang lọc các thuật toán giúp xác định các nội dung mới nào sẽ được đặt trên trang chủ người sử dụng.
Giờ đây, các biên tập viên có thể chọn từ 10 đến 12 nội dung quan trọng nhất cho mỗi chuyên mục, thường là từ 40 nội dung khác nhau. Các biên tập viên cũng có thể lựa chọn các nội dung dựa trên tính hấp dẫn của chúng, thường thì các nội dung càng được yêu thích càng tốt.
Yahoo muốn tự động hóa hầu hết quá trình này, sử dụng các phản hồi về việc các nội dung này có ảnh hưởng thế nào dựa trên số người đọc tin, số lượng bình luận về nội dung cũng như là mức độ yêu thích của người sử dụng. Sau đó, các biên tập viên sẽ điều chỉnh để có được kết quả cuối cùng.
Quá trình tiêu chuẩn hóa này cũng làm cho hãng có thể cung cấp nội dung cho các nền tảng và dịch vụ mới được dễ dàng hơn. Ví dụ như các cổng Yahoo được tùy biến theo từng nước khác nhau dựa vào thói quen lướt web của nước đó. Khi iPad được trình làng, hãng đã nhanh chóng tung ra trình duyệt mới, Yahoo Entertainment, sử dụng nhiều công cụ sẵn có. Một trong số những công cụ ấy là Yahoo Query Language (YQL), thường được biết đến dưới tên gọi Yahoo Pipes, cho phép các nhà thiết kế dễ dàng di chuyển nội dung sang các nền tảng mới.
Stata cũng đồng ý với quan điểm của Bartz là dịch vụ tìm kiếm cũng là một loại hàng hóa. Đây là một loại hàng hóa cũng giống như các bộ vi xử lý. Một doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường này có thể sẽ cần phải đầu tư ít nhất 1 tỷ đô la Mỹ, do đó, nó không phải là một thị trường mà ai cũng có thể gia nhập. Trong khi các hãng lớn như Intel và AMD đã cải tiến các bộ xử lý mỗi lần chúng được tung ra thị trường, khách hàng có thể sẽ vẫn không biết rõ về toàn bộ những cải tiến này.
Các yếu tố cơ bản của dịch vụ tìm kiếm đã khá hoàn chỉnh và hầu hết các nhiệm vụ của Google và Microsoft giờ đây đều xoay quanh vấn đề tiến hành các cải tiến mới, ví dụ như việc lọc các kết quả tìm kiếm từ một danh sách spam. Do đó, với người sử dụng, dịch vụ tìm kiếm dường như giống một loại hàng hóa. Mục tiêu của Yahoo là cải tiến các tìm kiếm cùng với các dịch vụ đi kèm khác.