Trở lại thời điểm hơn hai năm trước, khi Microsoft thông báo ngừng hỗ trợ phần mềm đối với Windows 7 và Windows Server 2008 R2, công ty cũng đã nhận được khá nhiều lời khen ngợi khi triển khai một chương trình có tên Extended Security Updates (ESU - tạm dịch: Cập nhật Bảo mật Mở rộng). ESU cho phép các doanh nghiệp, tổ chức có hệ thống máy tính vẫn đang chạy hai nền tảng hệ điều hành nêu trên tiếp tục nhận các bản cập nhật bảo mật quan trọng, cần thiết giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống trước các mối đe dọa mạng.
Mặc dù Microsoft cam kết sẽ cung cấp đợt cập nhật bảo mật cuối cùng cho Windows 7 vào tháng 1 năm 2023, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ta bất an bởi quá trình chuyển đổi hệ điều hành cho toàn bộ hệ thống rõ ràng không hề đơn giản và cực kỳ tốn kém.
May thay, một nền tảng có tên 0patch đang nổi lên như một sự thay thế đối với Microsoft trong việc giữ cho các hệ điều hành cũ, đã bước qua cả giai đoạn ESU như Windows 7, Windows Server 2008 R2 sẽ tiếp tục được bảo vệ khỏi các mối đe dọa mạng, mặc dù theo cách không chính thức. 0patch đã thông báo trong tuần này rằng họ sẽ cung cấp các gói hỗ trợ bảo mật cho Windows 7, cũng như các thiết bị Windows Server 2008 R2 cho đến ít nhất là tháng 1 năm 2025.
"Chúng tôi quyết định tiếp tục cung cấp các bản vá bảo mật cho Windows 7 và Windows Server 2008 R2 nhằm bảo vệ người dùng trước các lỗ hổng nghiêm trọng có khả năng bị khai thác trong tự nhiên. Mức chi phí phải trả sẽ là một phần nhỏ so với chương trình ESU từ Microsoft”.
Những bản vá theo dạng micropatch của 0patch sẽ được áp dụng trực tiếp trong bộ nhớ của các tiến trình đang chạy, thay vì thay đổi hệ thống tệp thực thi của hệ thống. Vì vậy, người dùng về cơ bản sẽ không cần phải khởi động lại máy tính để hoàn tất quá trình cài đặt bản cập nhật.
Nếu người dùng đang sử dụng chương trình ESU của Microsoft và muốn tiếp tục nhận các bản cập nhật bảo mật với 0patch, họ chỉ cần áp dụng tất cả các bản cập nhật ESU còn lại. Sau đó, cài đặt 0patch "Free Agent" trên máy tính Windows 7 hoặc Server 2008 R2 và đăng ký chúng vào tài khoản 0patch.
Tháng 3 năm nay, nhóm 0patch đã phát hành bản sửa lỗi không chính thức cho lỗ hổng Windows cũ. Ba tháng sau, họ cũng triển khai bản vá cho lỗ hổng zero-day trong công cụ Microsoft Support Diagnostic Tool của Microsoft. Do đó, chất lượng của các bản cập nhật mà 0patch cũng cấp là yếu tố có thể yên tâm.