Nếu như những năm trước, virus trên điện thoại di động còn manh nha, chủ yếu ở dạng thử nghiệm thì thời gian gần đây, chúng đã trở thành mối đe dọa thực sự đối với người dùng.
Chiếm hữu thông tin của người dùng
Anh Vũ Quốc Trung, Kim Mã, Hà Nội vẫn còn nhớ mãi lần anh vô tình dùng điện thoại thông minh HTC nhấp vào đường link của một người gửi có tên giống bạn anh. Không ngờ đường link này có ẩn chứa virus và toàn bộ chiếc Smartphone có giá gần 12 triệu anh mới mua đã bị nhiễm virus.
Còn chị Phạm Thị Huyền Trang, Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội lại ngây thơ dùng điện thoại thông minh Samsung Galaxy tải ứng dụng miễn phí từ Google Play. Khi tải về thấy máy chậm quá chậm, sau đó "chết" nguồn, chị Trang mang cửa hàng bảo hành mới biết điện thoại của mình bị nhiễm virus.
Theo KS Trần Thế Vinh, Công ty Bảo mật Trung Vinh, như các thiết bị điện tử khác, điện thoại di động cũng có thể bị nhiễm virus khi truy cập web qua Bluetooth, wi-fi, GPRS hay sử dụng thẻ nhớ có virus, copy file nào đó bị nhiễm virus vào điện thoại. Nặng nhất là chiếc điện thoại của bạn sẽ bị "đơ" hoàn toàn và phải reset (cài lại) toàn bộ.
Trước đó, nửa cuối năm 2011 là khoảng thời gian giới tin tặc gia tăng hoạt động xâm nhập thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh. Theo nhận định của các chuyên gia Kaspersky Lab, mục đích của các cuộc tấn công trên đã thay đổi vì ngoài việc chiếm đoạt tiền của nạn nhân, tội phạm mạng còn khao khát chiếm hữu thông tin của người dùng.
Không còn là lý thuyết
Theo các chuyên gia bảo mật, nếu như những năm trước, virus trên điện thoại di động còn manh nha, chủ yếu ở dạng thử nghiệm thì thời gian gần đây, chúng đã trở thành mối đe dọa thực sự đối với người sử dụng. Hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện, từ đầu năm đến nay có tới 34.094 mẫu virus lây lan trên di động, gấp hơn 9 lần so với năm 2011 (3.700 mẫu).
Ông Nguyễn Công Cường, phụ trách Bộ phận an ninh di động của Bkav cho biết: Hình thức lây nhiễm của virus trên điện thoại di động cũng tương tự virus trên máy tính. Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm phần mềm nổi tiếng dành cho smartphone, hacker đã tạo ra những phần mềm giả mạo có chứa mã độc rồi đẩy lên các "chợ" ứng dụng không chính thống trên Internet, lừa người dùng tải về. Liên tiếp từ tháng 4/2012, các phần mềm như Instagram hay trò chơi Angry Birds đã bị virus núp bóng, mượn danh để tấn công người dùng.
Mã độc sẽ chuyển hướng bùng phát trên môi trường điện thoại di động.
Sự tăng trưởng nóng của smartphone đã kéo theo nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin trên thiết bị cầm tay đang dần thay thế máy tính. Hàng loạt vấn nạn như nghe lén điện thoại di động, lừa đảo bằng SMS trên iPhone, lừa đảo cước viễn thông qua cuộc gọi nhỡ và các biến tướng của nó... đã gây ra nhiều thiệt hại và sự hoang mang, lo sợ cho người sử dụng.
Đáng lo ngại nhất là nhiều phần mềm nghe lén trên điện thoại di động đang được rao bán tràn lan trên mạng. Những phần mềm này cho phép người nghe lén kiểm soát mọi cuộc gọi đến và đi cùng nhiều dữ liệu quan trọng khác như nhật ký cuộc gọi, nội dung tin nhắn, hay vị trí của nạn nhân. Điều đó cũng có nghĩa là đời tư của người sử dụng rất dễ bị xâm phạm nghiêm trọng.