Nếu như có bất cứ điểm chung nào giữa quyết định ngừng sản xuất dòng "dế" 2 tháng tuổi Kin của Microsoft với việc mạng T-Mobile ngừng phân phối Sidekick, thì đó là do cả hai dòng dế này đều cố gắng "tạo ra sự khác biệt" so với smartphone và điện thoại thông thường.
Nhà nhà vào mạng xã hội
Nhưng ý tưởng này nhanh chóng trở nên lạc điệu. Mạng xã hội hiển nhiên đang là mốt mà các hãng sản xuất smartphone đều chạy theo. Hệ điều hành Palm WebOS đi đầu với Synergy, một chương trình tổng hợp toàn bộ danh bạ trong email, các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội về một mối duy nhất, đồng thời hợp nhất cả IM lẫn SMS về một kênh duy nhất.
Tiếp đến là Motorola Motoblur, một giao diện người dùng sáp nhập Facebook, Twitter, MySpace và các điểm đến quen thuộc khác về một kênh duy nhất trên màn hình chủ.
Giờ thì gần như tất cả anh tài đều đã "điểm danh". HTC Sense giới thiệu Friend Stream, Motorola Droid X pha trộn Motoblur với tính năng mở của Android. Ngay cả những hệ điều hành nổi danh truyền thống, kín cổng cao tường như Windows Phone 7 cũng có People Hub, nơi người dùng được cập nhật về status và ảnh chụp từ bạn bè của họ. Cuối cùng, BlackBerry OS 6 cũng trang bị ứng dụng mạng xã hội ảo.
Kết luận đầu tiên được rút ra, là thế mạnh vốn có của Sidekick, cũng như "thế mạnh" mà Microsoft nghĩ Kin sở hữu, là kết nối mạng xã hội ảo - chẳng có gì độc quyền cả. Nó đã trở thành chuyện "thường ngày ở huyện" rồi.
Đầy rẫy sự bất hợp lý
Sidekick cũng vừa bị T-Mobile "kết liễu" mạng sống.
Vấn đề thứ hai là smartphone đòi hỏi những gói cước rất đắt đi kèm với nó. Người dùng chấp nhận gói cước đó vì họ sẽ sử dụng smartphone hết công suất, từ giải trí cho đến lướt Web hay làm việc. Nhưng Kin - con dế được Microsoft đặt cho cái tên "Chiếc điện thoại xã hội", lại thất bại thảm hại vì gói cước 30 USD hàng tháng của nó không hề hợp lý chút nào. Đơn giản, mức cước đó là quá đắt nếu xét đến danh sách dài dằng dặc những tính năng mà Kin thiếu vắng.
Ngay từ khi mới ra đời, Kin đã tỏ ra dặt dẹo. Dù chưa có nguyên nhân chính thức nào được công bố, song người ta có thể nhận thấy thiết kế nghèo nàn, khung giá bất hợp lý, thiếu vắng những tính năng giải trí... là các thủ phạm chính.
Giờ thì mọi người không ngần ngại gọi Kin là đứa con ghẻ đáng thương trong gia đình di động của Microsoft. Nó không sở hữu sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp như những người anh em dùng hệ điều hành Windows Mobile, cũng không được trang bị những tính năng hùng mạnh của hệ điều hành sắp ra mắt Windows Phone 7.
Nói cách khác, Kin đã thực sự khủng hoảng khi "định vị mình trên sàn đấu". Nó ra đời để phục vụ thế hệ mạng xã hội ảo nhưng lại thiếu ứng dụng chat nhanh IM, thiếu hộp thư tích hợp và những tính năng cơ bản của mạng xã hội. Không có bất cứ quầy ứng dụng nào chống lưng cho Kin, biến Kin trở thành đứa trẻ lạc lõng không nơi nương tựa.
Nó không có khả năng chỉnh sửa ảnh và video - thứ mà giới trẻ yêu thích - cũng như khả năng tải ảnh/video trực tiếp lên Twitter, YouTube. Kỳ quặc nhất, giá bán của nó lên đến 150 USD và đòi hỏi một gói cước dữ liệu ở mức cao nhất.
Sự thất bại của Kin cũng là một bài học quá đỗi xót xa cho Microsoft, nhất là khi gã khổng lồ phần mềm đang vùng vẫy một cách tuyệt vọng để cải thiện công việc kinh doanh di động của mình. Hãng đã quá chủ quan và phiến diện khi thiết kế Kin, quá nóng vội khi tung sản phẩm này ra thị trường mà không qua công đoạn "thẩm định". Phải chăng chính vì Microsoft đã học theo phong cách "giữ bí mật tuyệt đối" của đối thủ Apple nên mới để xảy ra cơ sự này?
Không thể cạnh tranh
Sidekick có phần may mắn hơn khi bám trụ được trong lòng người dùng suốt một thời gian dài. Nhưng thực lòng mà nói, khi Sidekick mới xuất hiện, người dùng đâu có nhiều sự lựa chọn. Giờ đây, với mức cước hàng tháng tương đương với Sidekick, bạn có thể lựa chọn đủ mẫu smartphone khác nhau với công năng đương nhiên là mạnh hơn.
Đầu tháng 6, AT&T đã quyết định ngừng cung cấp gói cước dữ liệu smartphone "không giới hạn" mà thay vào đó là gói cước mới: 15 USD/tháng cho 200MB dữ liệu. Hiển nhiên dung lượng này không hề lý tưởng để xem video hay nghe nhạc live, nhưng nó là quá đủ nếu bạn chỉ muốn lướt Facebook hay Twitter. Sau AT&T, Verizon cũng đang cân nhắc đến gói cước kiểu này vì chúng tỏ ra rất phù hợp với smartphone bình dân.
Động thái đó đã gây ra một áp lực cực lớn lên vai của mạng T-Mobile. Sidekick khó lòng cạnh tranh với tất cả những đối thủ smartphone dày đặc tính năng kết nối mạng xã hội mới ra, và vì vậy, việc nó bị T-Mobile kết liễu cũng không có gì quá sốc.
Càng ngày, ranh giới giữa smartphone và một chiếc điện thoại chuyên dụng càng mờ nhạt. Do đó, những mẫu dế như Kin hay Sidekick, vốn muốn xoáy sâu vào sự khác biệt, sẽ sớm trở nên lạc lõng và không tìm được chỗ đứng.