Gần như hoàn hảo trong thiết kế, hệ thống tính năng không mấy thua kém… nhưng đến nay iPhone vẫn chịu thua BlackBerry trên thị trường doanh nghiệp. Vì sao?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thiết bị di động, những chiếc iPhone của Apple đã trải qua 2 trong số 3 giai đoạn quan trọng nhất để đưa một chiếc điện thoại di động “thống lĩnh” thị trường. Giai đoạn thứ nhất: Tạo ra một sản phẩm có thiết kế, hình dáng khiến khách hàng “không thể cưỡng lại sức cám dỗ”. Ở giai đoạn này, iPhone đã chiến thắng giòn giã. Giai đoạn 2 là đưa thiết bị này trở nên dễ dàng đến với người tiêu dùng thông qua và các biện pháp truyền thông và Apple cũng đã thành công. Ở giai đoạn thứ 3: đưa iPhone trở nên thân thiện với với nhóm khách hàng cao cấp và yêu cầu một thiết bị di động thực sự có hiệu quả trong công việc (ngoài các tính năng thông thường và giải trí) bằng các cấu hình, các chế độ quản lý thông tin và ứng dụng quan trọng. Bước vào giai đoạn này có vẻ như iPhone đã bắt đầu bộc lộ sự hạn chế của mình. Với các chuyên gia di dộng, sự hạn chế này của iPhone là rất khó giải quyết bởi nó yêu cầu Apple phải thay đổi gần như toàn bộ cơ chế hoạt động kinh doanh.
Về mặt ứng dụng và công cụ dành cho các khách hàng doanh nhân, iPhone không hề thua kém. Nó được trang bị trình duyệt mail ActiveSync (sử dụng Microsoft Exchange Server), một trình duyệt web mạnh mẽ tương thích với công nghệ web 2.0 AJAX, một chế độ mạng riêng ảo của hãng Cisco hay các chương trình cho phép xem các file đính kèm có định dạng Word hay PDF. Giao diện người dùng (UI) của iPhone cũng đã được cách mạng hóa đến mức gần như tối đã với các chế độ hiển thị text, hình ảnh “không chê vào đâu được”, màn hình cảm ứng đa điểm cực nhạy, bàn phím ảo kích thước lớn, dễ sử dụng và đặc biệt là không cần đến bút cảm ứng (stylus).
Với các khách hàng cá nhân, iPhone gần như không cần phải thêm gì nhiều nhưng với các khách hàng là doanh nhân, chừng đó vẫn còn chưa đủ bởi hầu như iPhone mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về mặt duy trì liên lạc và giải trí thông thường. Các công cụ dành cho doanh nhân của nó đã có nhưng tỏ ra “khó tính”, kém linh hoạt và thậm chí là kém an toàn hơn so với các công cụ tương tự của BlackBerry hay Windows Mobile.
Hạn chế đầu tiên của iPhone khiến nó chưa thể tiếp cận được sâu hơn nữa với thị trường khách hàng doanh nghiệp chính là sự “coi iTunes là trung tâm” của nó. Gần như toàn bộ hoạt động của iPhone đều được thực hiện qua iTunes. Kích hoạt thiết bị sau khi mua: iTunes, tải và cài đặt các bản cập nhật firmware: iTunes và đến cả các hoạt động thông thường như sao lưu dữ liệu, lưu trữ thông tin hay cài đặt các phần mềm mới cũng bắt buộc phải thông qua iTunes. Có thể nói iPhone gần như không tương tác với các thiết bị phổ thông và thiết yếu với doanh nhân như máy tính để bàn hay laptop. Với các thiết bị khác đồng hạng thì sao? Chúng linh hoạt và dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu nói chuyện kích hoạt thiết bị với BlackBerry hay các thế giới thiết bị của Windows Mobile bạn sẽ bị coi là “người ngoài hành tinh”. Ngay cả việc bắt buộc phải đăng ký và kích hoạt như khởi tạo cho mình một “máy chủ e-mail” riêng thì BlackBerry cũng chỉ cần thao tác ngay trên máy. Cài đặt phần mềm hay tải các bản cập nhật mới cũng vậy. Chính sự linh hoạt này tạo ra cho các doanh nhân cảm giác chủ động, thoải mái và đáng tin cậy hơn rất nhiều.
Hạn chế thứ 2 của iPhone là đến nay nó vẫn không có hay hỗ trợ môi trường Java (J2ME) hoặc Flash. Điều này khiến cho việc lướt web hay làm việc với các chương trình đòi hỏi phải có sự liên lạc với ứng dụng của bên thứ 3 là gần như không thể. Apple đã cam kết từ lâu về các yếu tố này nhưng đến nay đó vẫn chỉ là lời hứa và các doanh nhân thì không thích một ai đó chỉ biết hứa rồi “để đấy”. Sự thiếu sót này với người dùng cá nhân có thể là không mấy quan trọng nhưng với các doanh nhân đó lại là điều sống còn bởi lẽ nhiều khi trên iPhone họ không thể kiểm soát được tác vụ nào đang chờ thực hiện (pending), tác vụ nào đã bị nhỡ (missing) để đưa ra phương án thay thế kịp thời.
Hạn chế thứ 3 và cũng là quan trọng nhất của iPhone là sự “khó tính” của nó trong các môi trường e-mail – một thứ không thể thiếu với các doanh nhân và khả năng lưu trữ cũng như chuyển đổi dữ liệu. Dễ thấy nhất là việc iPhone không hoạt động trên các cổng TCP dưới 1000 và khả năng hoạt động như một thiết bị lưu trữ USB. Chỉ có iTunes được phép truy cập cũng như chuyển đổi các file dữ liệu trên iPhone. Quy định nghiêm ngặt của iPhone là ứng dụng nào tạo ra dữ liệu thì chỉ có ứng dụng đó được phép truy cập. Trình duyệt của iPhone không cho phép tải lên hay tải xuống dữ liệu. Để làm công việc này trên iPhone, cách duy nhất là thông qua trình duyệt mail. Nhưng Apple còn “chơi khó” hơn nữa khi không cho phép xem các file đính kèm trên email bằng các ứng dụng khác mà buộc khách hàng phải mở lại mail.
Chỉ với 3 hạn chế lớn nhất này, iPhone đã cho thấy nó “mất điểm” trầm trọng đến thế nào với nhóm khách hàng doanh nhân. Nếu so sánh iPhone với BlackBerry hay các thiết bị sử dụng môi trường Windows Mobile nó càng không thể là đối thủ. Thậm chí nhiều chuyên gia trong lĩnh vực di động còn quả quyết rằng sự tương thích của iPhone còn kém xa các các môi trường cấp thấp hơn như Symbian hay Palm.
Giải quyết các hạn chế này của iPhone ư? Hoàn toàn có thể chỉ với một điều kiện duy nhất: Apple khai tử dịch vụ iTunes đang “hốt bạc” của mình. Điều kiện quá viễn tưởng.
Bất chấp đã có một số tin tức cho rằng một số khách hàng doanh nghiệp (ngân hàng HSBC, Quốc hội Mỹ) đang dự định thay thế BlackBerry bằng iPhone, hầu hết các chuyên gia di động vẫn cho rằng iPhone khó có thể thâm nhập vào thị trường này và tiếp tục đứng nhìn BlackBerry “cười ngạo nghễ”.