Ứng dụng CNTT được xem là 1 trong 4 nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng bởi tầm quan trọng của nó. Bên cạnh việc ứng dụng CNTT để tối ưu hóa hoạt động ngân hàng thì vấn đề bảo mật cũng được ngành ngân hàng tập trung đầu tư.
Ứng dụng CNTT được xem là 1 trong 4 nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng.
Vai trò của CNTT là chiến lược
Phát biểu khai mạc tại Banking Vietnam 2010, diễn ra tại TPHCM từ ngày 9-10/12/2010, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNH) khẳng định, một ngân hàng muốn phát triển bền vững thì phải xác định ứng dụng CNTT là 1 trong những nhiệm vụ chính. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh, đầy tính cạnh tranh, các ngân hàng phải lựa chọn các giải pháp sao cho tiết kiệm, nhưng phải đảm bảo an toàn bảo mật và tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho người dùng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng (NHNN) cũng cho rằng, trong bối cảnh những bất ổn khó lường của thị trường ngày càng mạnh mẽ, những tiến bộ công nghệ đang có những tác động mạnh với sự phát triển hệ thống tài chính toàn cầu. Nền kinh tế tri thức cùng với những tiến bộ về công nghệ đã xác định lại các quy tắc cuộc chơi dẫn đến khả năng của định chế tài chính trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ một cách hiệu quả nhất sẽ là chìa khóa thành công. Tốc độ phát triển nhanh chóng và chuyển đổi môi trường tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đòi hỏi các ngân hàng phải quan tâm nhiều hơn đến khách hàng, tối ưu hóa rủi ro tài chính và rủi ro tác nghiệp. Chính vì thế sự phát triển của ngân hàng trong giai đoạn mới, CNTT có vai trò rất quan trọng và xem như khâu đột phá quan trọng trong chiến lược hoạt động của toàn ngân hàng Việt Nam.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học (NHNN) cũng khẳng định, CNTT là trụ cột của ngành ngân hàng, là nền tảng quan trọng trong ngân hàng hiện đại. Các ngân hàng hiện nay đều chú trọng đầu tư CNTT để phát triển. Về phía NHNN cũng không ngừng đổi mới công nghệ, đưa ra các giải pháp hiện đại để phát triển; chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực về CNTT để đảm bảo cho các hoạt động trong ngân hàng. Ngân hàng nhà nước cũng rà soát việc ứng dụng CNTT trong 10 năm qua và nếu như trước đây đầu tư theo chiều rộng, giờ chuyển sang đầu tư chiều sâu với việc đầu tư phát triển công nghệ mới là chủ yếu. “NHNN đang hướng tới việc phát triển những ứng dụng CNTT hiện đại, thực hiện các thanh toán như Internet Banking, Mobile Banking...”, ông Hùng khẳng định.
Chú trọng bảo mật
Song song với việc xem CNTT là chiến lược phát triển, thì ngành ngân hàng cũng không ngừng chú trọng công tác bảo mật nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, cũng như tạo ra được sự tin tưởng cho khách hàng trong các giao dịch.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, NHNN đã có những nghiên cứu về tiêu chuẩn bảo mật, tiếp cận các tiêu chuẩn mới trên thế giới như ISO 2700. Đồng thời với quy mô hoạt động ngân hàng, hiện nay NHNN đã đưa ra các tiêu chuẩn bảo mật gần với ISO 27001 để các ngân hàng ứng dụng vào hệ thống của mình.
Trong ngành ngân hàng không có chuyện cúp điện hay gặp sự cố mà phải dừng lại. Để hoạt động diễn ra liên tục, ngành ngân hàng đã đưa ra các tiêu chuẩn backup dữ liệu. Hiện các ngân hàng lớn đang chú trọng đầu tư các trung tâm ứng cứu dữ liệu khi gặp sự cố. Đối với ngân hàng nhỏ thì chú trọng vào việc thuê các giải pháp bảo mật do các doanh nghiệp cung cấp.
Một vấn đề nữa được đặt ra là việc đầu tư cho bảo mật cần có thời gian và kinh phí. Chẳng hạn đầu tư cho một hệ thống bảo mật 10 đồng thì doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí lên tới 20 đồng để duy trì, cập nhật hệ thống thường xuyên.