Nhiều “đại gia” sản xuất TV lớn trên thế giới như Samsung, LG, Sony, Panasonic… đã và đang gấp rút tung ra thị trường những mẫu TV 3D đỉnh cao, và thị trường Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho những trải nghiệm giải trí mới lạ này.
Trong nửa đầu năm nay, hàng loạt các mẫu TV 3D đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam dưới danh nghĩa là giới thiệu. Đây có thể là động thái thăm dò của các nhà sản xuất xem phản ứng của thị trường và cộng đồng người dùng như thế nào. TV 3D được tung ra trước thời điểm khá nhạy cảm - World Cup 2010 mà phần lớn các nhà sản xuất đều tin rằng nó là khởi điểm không thể tốt hơn cho dòng TV này.
Đua nhau ra mắt TV 3D
Khởi đầu cho trào lưu này là TCL với mẫu TV 3D không cần kính. Đầu năm 2010, TCL giới thiệu tại TP.HCM chiếc TV LCD 3D kích thước 42-inch không sử dụng kính 3D chuyên dụng mà vẫn xem được hình ảnh 3 chiều. Đây được xem là chiếc TV 3D đầu tiên trên thị trường có được tính năng này. Tuy TCL không tiết lộ giá bán và thời điểm chính thức ra mắt TV 3D tại thị trường Việt Nam nhưng nhiều người cho rằng chúng sẽ có giá tới hàng trăm triệu đồng.
Chiếc TV 3D đầu tiên của Samsung được giới thiệu tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: VH)
Tiếp theo TCL là “đại gia” Samsung, vốn nổi danh với các dòng TV siêu mỏng, siêu nhẹ, và siêu thời trang. Hãng điện tử đến từ Hàn Quốc này đã trình diễn 3 dòng TV 3D thế hệ mới (LCD, LED, và Plasma). Dòng TV LCD 3D của Samsung bao gồm 2 mẫu: 46-inch và 55-inch; TV LED 3D gồm 7 mẫu: SERIES 7 (40-inch, 46-inch, và 55-inch), SERIES 8 (46-inch, 55-inch, và 65-inch) và SERIES 9 (55-inch); và dòng Plasma 3D gồm 2 mẫu: 50-inch và 63-inch.
Tất cả những chiếc TV 3D của Samsung đều có độ phân giải Full HD, tốc độ làm mới khung hình rất cao – 200Hz (thích hợp để xem các hình ảnh chuyển động ở tốc độ cao), và có nhiều kết nối cao cấp đối với một chiếc như: HDMI, LAN, USB, kết nối PC, tai nghe, AV, DVI… Với số tiền 65 triệu đồng, người dùng có thể sắm được chiếc TV LED SERIES 7 3D 55-inch kèm theo cặp kính 3D và một chiếc đĩa Blu-ray 3D. Riêng kính 3D của Samsung được bán lẻ với giá 3 triệu đồng.
Trong khi đó, các đối thủ khác như LG, Sony, Panasonic cũng đang chạy đua để tung ra thị trường các dòng TV 3D mới. Trong tháng 6 này, thị trường Việt Nam sẽ đón nhận 2 mẫu TV 3D đầu tiên của Sony. Đó là các mẫu LX900 – sử dụng bộ chuyển đổi công nghệ trình chiếu 3D tích hợp, và NX800 – sử dụng bộ chuyển đổi tín hiệu 3D rời. Cả hai sản phẩm này được bán với giá lần lượt là từ 3.000 – 4.000USD, một cái giá khá cao đối với đại đa số người dùng Việt Nam. Rõ ràng để có được trải nghiệm xem TV 3D, người dùng sẽ phải đầu tư không ít.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới các tên tuổi khác như Panasonic, LG và Sharp. Panasonic sẽ tung ra thị trường mẫu TV 3D VT25 65-inchvới giá hơn 4.299USD. VT25 đạt độ phân giải Full HD, tốc độ quét hình 600Hz và có độ tương phản cực cao (5.000.000:1). Ngoài mẫu 65-inch, VT25 còn có thêm các kích cỡ màn hình khác: 50 inch và 54 inch – có giá bán lần lượt 2.599USD và 2.999 USD; và 58 inch và 65 inch có giá bán lần lượt là 3.399 USD và 4.299 USD. Giá bán lẻ kính 3D của Panasonic cũng tương đương với sản phẩm của Samsung.
Mặc dù không có nhiều mẫu mã TV 3D như các hãng khác nhưng LG cũng sẽ góp mặt với sản phẩm LX9500 thuộc dòng LED 3D. LX9500 có 2 phiên bản 47-inch và 55-inch với giá bán dự kiến của mẫu 47-inch là 4.000USD. Trong khi đó, Sharp sẽ công bố mẫu TV 3D đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ 4 màu cơ bản có tên QUAD Pixel. Theo đó, hãng đã nghiên cứu và đưa thêm màu vàng vào ba màu cơ bản RGB (đỏ, lục, lam) của màn hình thành một hệ màu mới RGBY có khả năng hiển thị hàng tỷ màu. Công nghệ này cho phép TV mang lại những hình ảnh sáng hơn và sống động hơn.
Nhu cầu vẫn hạn chế
Theo ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc MediaMart Việt Nam, sức mua TV 3D trong nước hiện nay vẫn rất thấp. Người mua chủ yếu mới thăm dò và tham khảo giá chứ ít ai sẵn sàng bỏ ra gần 100 triệu đồng để tậu về chiếc TV 3D. Đó là chưa kể các phụ tùng đi kèm, chẳng hạn như kính 3D, hệ thống loa vòm, đầu phát và cả phòng riêng để có thể thưởng thức trọn vẹn chất lượng từ loại TV thế hệ mới này.
Cũng theo ông Vũ, ngoài yếu tố giá cả thì nội dung phát trên dòng TV này cũng là một trở ngại. Nội dung 3D hiện vẫn còn nghèo nàn. Ngoài đĩa 3D mà nhà sản xuất bán kèm TV (thường chỉ có một đĩa) thì trên thị trường hầu như có rất ít các đĩa 3D nguyên bản khác, chủ yếu được mang về theo con đường xách tay. Người dùng đành phải xem theo cách chuyển đổi (convert) từ nội dung 2D lên 3D (chất lượng hình ảnh thường không đẹp và sâu).
Người dùng Việt Nam hào hứng với trải nghiệm mới của TV 3D. (Ảnh: VH)
Ngoài ra, người dùng cũng đang phân vân về yếu tố gây hại sức khỏe của TV 3D. Các phân tích gần đây cho biết, xem TV 3D có thể gây đột quỵ nhất là với những người có tiền sử động kinh và động kinh. Theo đó, các đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ có thai được khuyến cáo là hạn chế xem hình ảnh 3D. Những dấu hiệu thường thấy khi xem phim hoặc chơi game 3D có thể bao gồm: cảm giác mệt mỏi, hao tổn giác quan, khả năng định hướng kém, căng thẳng thị giác, khả năng phản xạ kém, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, hoặc mệt mỏi.
Năm 2010 có thể coi là năm của TV 3D nhưng để dòng TV này trở nên thông dụng thì có lẽ cần phải có thêm thời gian. Giá cao ngất ngưởng, nội dung phát hạn chế, và lo ngại về vấn đề sức khỏe đang là những trở ngại ngăn cho TV 3D tiến xa hơn trên thị trường Việt Nam.