“Triều đại” Google 3.0

Bắt đầu từ tháng 4/2011, Larry Page sẽ thay thế Eric Schmidt làm Tổng giám đốc Google. Google chính thức bước vào triều đại 3.0.


Larry Page (bên trái) và Sergey Brin - hai đồng sáng lập của Google.

Trong “triều đại” 2.0

Trong triều đại 1.0 của Google diễn ra từ năm 1996-2001, Page và Brin cùng thai nghén công ty tại trường Đại học Stanford và trong gara xe hơi Menlo Park ở California. Năm 2001, họ tuyển dụng Schmidt, một người trưởng thành trong ngành công nghệ và đang là CEO của Novell, làm CEO Google, chuyển sang triều đại 2.0.

Mặc dù Google báo cáo lợi nhuận quý IV tăng 29% song giá cổ phiếu của hãng tăng chỉ 13,7%, khiến các nhà đầu tư thất vọng. Google đang bị các đối thủ như Facebook qua mặt về mảng mạng xã hội.

Ngoài ra, Google cũng đang đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền tại Washington và châu Âu, sự ra đi của một số nhà lãnh đạo chủ chốt. Và có lẽ nghiêm trọng nhất là cơ cấu tổ chức vốn lỏng lẻo đang trở nên không kiểm soát nổi, kinh doanh kém hiệu quả.

Google được đánh giá có sức sáng tạo mạnh mẽ nhưng lại bị phân tán. Ngoài Android, Google gần đây gặp một loạt sản phẩm thất bại, như Google Buzz, một “bản sao” Twitter, và Google Wave, một “dịch vụ què quặt” cho phép mọi người cộng tác trực tuyến.

Larry Page không bị chỉ trích công khai vì những sai lầm của công ty, song ông thừa nhận “chúng tôi đang phải trả giá cho mô hình quản trị kiểu chia sẻ quyết định giữa 3 người, nó ảnh hưởng đến tốc độ và những người không cần thiết phải tham gia vào quá trình quyết định”. Chính vì thế, việc Page lên làm CEO “sẽ phân loại rõ ràng vai trò các lãnh đạo, và sẽ giúp cải thiện tốc độ của Google”.

Tuy vậy, Google cũng nhận thức được rằng Page không có thiên hướng bẩm sinh làm tổng giám đốc. Là người hướng nội, ông tránh phải nói trước công chúng và ghét một lịch làm việc khắt khe. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Google – như Andy Rubin, người giám sát hệ điều hành Android; Salar Kamangar, quản lý trang chia sẻ video YouTube và Vic Gundotra, dẫn đầu dự án bí mật của Google chống lại mạng xã hội Facebook, Vic Gundotra, phó giám đốc kỹ thuật và là một trong những “ngôi sao đang lên” của Google – sẽ trở thành các vị đại sứ của Google trên thế giới. Họ chính là “tai mắt” của Larry Page, ở một số nghĩa nào đó, họ chính là tương lai của công ty. Những nhà lãnh đạo này – một số đã gắn bó với Google từ ngày bắt đầu – khẳng định họ vẫn tin tưởng vào công ty. Cùng với nhau, nhiệm vụ của họ là giúp công ty tiến nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Andy Rubin – “linh hồn” của Android

Andy Rubin là một người rất sáng tạo. Sản phẩm mới nhất của ông, hợp tác cùng một số đồng nghiệp ở Google, là “Java the Bot”, một con robot xe lăn 2 tay có khả năng lăn đến máy pha cà phê và thực hiện tất cả các bước cần thiết để có một tách cà phê thơm ngon. Hiện sản phẩm này vẫn đang trong quá trình phát triển. Kể từ khi Google mua lại Android, một công ty mới thành lập gồm 8 người của ông vào năm 2005, Rubin đã tập trung mở rộng hầu hết năng lực sáng tạo trong đại bản doanh Googleplex. Nền tảng Android đang là mảnh đất phát triển nhanh nhất lịch sử công nghệ, nhảy vọt lên đứng đầu thị trường với 26% thị phần điện thoại thông minh, cao hơn 1% so với iPhone, theo Hãng nghiên cứu ComScore. Thành công của Android đã đưa Rubin trở thành một hình mẫu xuất sắc, được nhiều người khâm phục tại Google.

Bởi vì nhiệm vụ của Rubin là tạo ra một hệ điều hành di động, nhiệm vụ này hầu như tách biệt khỏi các mục tiêu còn lại của Google, nên ông có “đặc quyền” riêng. Ông có thể tự tuyển dụng nhóm của mình, thậm chí kiểm soát một “mảnh đất” riêng trong toà nhà văn phòng của Google. Tại “vương quốc” nhỏ này, ông biến những đồ dùng tráng miệng (như bánh ngọt, cà phê…) thành những vật trang trí có kích thước lớn, hiển thị tên của các phiên bản Android. “Google đã làm một việc rất tốt là tạo cho chúng tôi sự chủ động, tự trị”, Rubin nói. “Chúng tôi có thể tiến thực sự, thực sự nhanh”.

Trong Google, Rubin cũng mở rộng lãnh địa của ông. Phần mềm Android đang tiếp sức cho dự án Google TV. Một phiên bản của Android là Honeycomb cũng sẽ được dùng cho các thiết bị máy tính bảng nhằm cạnh tranh với iPad.

Rubin cũng lãnh đạo mảng âm nhạc số của Google. Mặc dù Google đang có nhiều dự án khác nhau, như tìm kiếm, lưu trữ trực tuyến, song mảng âm nhạc cũng đang được Google chú trọng. Rubin cảm thấy Android cần có các tính năng âm nhạc tốt hơn để cạnh tranh với iPhone, vì thế ông đã chú tâm vào dự án này từ năm ngoái. Hiện ông đang làm việc với một cựu luật sư của YouTube, Zahavah Levine, để mua giấy phép từ 4 nhãn hiệu âm nhạc lớn. Nhóm của ông đã phát triển ra một dịch vụ cho phép người dùng tải bộ sưu tập âm nhạc của họ lên các máy chủ Google, sau đó đồng bộ chúng với bất cứ thiết bị di động nào.


Android đang là một trong những dự án lớn của Google.

Những cựu chiến binh

Page, Brin, và Schmidt đóng góp rất nhiều cho thành công của Google – nhưng không phải chỉ có họ. “Google được như ngày hôm nay là nhờ những người mà Page, Brin và Schmidt đã tuyển dụng vào từ những ngày đầu, nhiều người trong số họ vẫn còn chung thủy với Google và rất giàu có”, Steven Levy, tác giả cuốn sách viết về Google nói. “Họ là một phần trong bộ máy đã làm nên các quyết định lớn tạo nên vận mệnh Google”.

Salar Kamangar và Susan Wojcicki là hai trong số những người đó. Kamangar, nhân viên thứ 9 của Google, điều hành YouTube từ một văn phòng cách đại bản doanh Google 30 dặm về phía Bắc. Vojcicki, gần đây đã lên chức Phó chủ tịch cấp cao, điều hành một nhóm gồm 100 nhân viên tập trung vào tương lai của quảng cáo. Trụ sở đầu tiên của Google chính là gara nhà Wojcicki – bà đã cho Brin và Page thuê trong những năm đầu tiên của Google và sau đó bà trở thành nhân viên thứ 16 của Google.

Chất giọng của Kamangar đặc biệt ấn tượng. Là một người Iran, tốt nghiệp trường đại học Stanford với tấm bằng kinh tế, ông bắt đầu với vai trò như một người quản gia cho Page và Brin, sau đó trở thành người đứng đằng sau AdWords, hệ thống xếp hạng các quảng cáo dọc theo kết quả tìm kiếm dựa trên mức phí mà các nhà quảng cáo bỏ ra, và tính hiệu quả của mỗi quảng cáo. Hệ thống này đóng góp phần lớn cho doanh thu hàng năm 29,3 tỷ USD của Google và có thể nói là “cỗ máy kiếm tiền” lớn nhất trên thế giới quảng cáo trực tuyến hiện nay.

Kamangar cũng là nhân vật chủ chốt trong vụ mua lại YouTube giá 1,6 tỷ USD của Google năm 2007. Dưới sự lãnh đạo của ông, YouTube hiện tạo ra hơn 2 tỷ lượt truy cập mỗi ngày và có doanh thu gấp đôi vào năm 2010. Nhà phân tích Mark Mahaney của Citigroup dự đoán tổng doanh thu của YouTube lần đầu tiên sẽ vượt 1 tỷ USD vào năm 2011.

Wojcicki tốt nghiệp trường Harvard, là người quản lý AdSense, chương trình hợp tác với AdWords để đồng bộ hóa các quảng cáo tìm kiếm của Google trên web. Bà cũng rất gần gũi với các nhà sáng lập của Google – vợ của Brin là em gái bà. Wojcicki đã giúp Google đạt đến vụ thâu tóm hãng quảng cáo hiển thị Double Click giá 3,1 tỷ USD năm 2007 và hãng quảng cáo di động AdMob năm 2009 với giá 750 triệu USD.

Nhóm của bà đang đưa Google vào kế hoạch quảng cáo tiếp theo. Wojcicki đã phát triển nên các công cụ cho phép người dùng tìm kiếm hàng hóa ở các gian hàng địa phương. Mảnh đất này đang bị Groupon cạnh tranh – trang web mua theo nhóm đã từ chối vụ mua lại giá 6 tỷ USD của Google hồi cuối năm ngoái. Hiện tại, Wojcicki đang làm việc với nhóm thương mại điện tử của Google để phát triển dịch vụ quảng cáo cho các doanh nghiệp địa phương. Như nhiều đồng nghiệp khác, bà cũng đang nghĩ cách để các quảng cáo trên Google có thể xã hội hóa hơn.

Và những người trung thành

Trong mấy năm qua, Google đã mất nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc. Họ rời bỏ Google để lập công ty riêng, để đầu quân cho các hãng quỹ đầu tư mạo hiểm, và hổ thẹn nhất là đầu quân cho Facebook. Sundar Pichai đã đi ngược xu hướng chảy máu chất xám này. Là một phó chủ tịch quản lý sản phẩm, phục trách trình duyệt Chrome, Pichai, 38 tuổi, gần đây đã được Twitter “ve vãn”. Nhưng ông khẳng định sẽ không ra đi. “Tôi ở lại, tôi hài lòng với nơi này”, ông nói. “Tôi xem đây là một cuộc sống mà tôi đã gắn bó từ lâu”.

Là người gốc Tamilnadu, Ấn Độ, tốt nghiệp trường Stanford, Pichai gia nhập Google năm 2004. Công việc đầu tiên của ông là phát triển thanh công cụ trình duyệt đưa ô tìm kiếm của Google lên góc trên bên phải của Internet Explorer và Firefox. Sau đó, Pichai và các nhà sáng lập Google quyết định công ty sẽ phát triển trình duyệt riêng của hãng, tích hợp tìm kiếm. Ra đời năm 2008 và dựa trên mã nguồn mở, Chrome hiện là sự lựa chọn của 10% người dùng Internet trên thế giới.

Thành công của Chrome đã thuyết phục Google đi xa hơn. Pichai hiện chịu trách nhiệm phát triển hệ điều hành với tên gọi tương tự, hứa hẹn sẽ cài đặt sẵn trong một thế hệ máy tính mới giá rẻ, tiêu thụ ít điện năng.

Google bước sang “triều đại” 3.0 sẽ có những đổi thay như thế nào thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Song với vai trò là một CEO mới của Google, Larry Page đánh giá cao những nhà lãnh đạo xuất sắc của hãng. Tất cả những “ngôi sao đang lên” này sẽ làm việc cùng nhau và đưa Google tiến vào “triều đại” 3.0.

Thứ Hai, 21/02/2011 10:30
31 👨 402
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp