Bắt đầu từ những chiếc bàn tính gảy bằng tay, hiện giờ chúng ta đã có những cỗ máy với khả năng xử lý hàng tỷ phép tính mỗi giây.
>>> Top 10 máy tính quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại (Phần cuối)
Đối với nhiều người, cuộc cách mạng công nghệ chỉ diễn ra trong khoảng 50 năm lại đây. Tuy nhiên, thực tế là những chiếc máy tính hiện đại nhất của ngày hôm nay là thành quả của một quá trình phát triển trải qua rất nhiều thập kỉ, thế kỉ hay thậm chí thiên niên kỉ. Vào buổi bình minh của nhân loại, con người đếm bằng những đầu ngón tay, từ đó họ không ngừng phát triển các phương pháp giúp cho việc tính toán trở nên dễ dàng hơn. Để đến bây giờ những vi xử lý tối tân như Intel Core i7 ra đời.
Sau đây là 10 chiếc máy tính quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của thế giới công nghệ đã được các BTV của Techradar lựa chọn.
1. Bàn tính gảy Abacus: Công cụ tính toán cơ học cổ xưa nhất
Khó có thể coi chiếc bàn tính thô sơ này là một chiếc máy tính, nhưng nó chính là điểm khởi đầu cho hành trình phát triển công nghệ tính toán của loài người. Bán tính gảy - tổ tiên của mọi công cụ cơ học hỗ trợ tính tính toán được sử dụng đầu tiên ở Samaria (nay thuộc Israel) hơn 2000 năm trước Công Nguyên. Ngày nay, ở vùng Viễn Đông, người ta vẫn sử dụng một dạng biến thể của nó.
Nhiều công cụ hỗ trợ tính toán nữa được phát minh trong 2 thiên niên kỉ tiếp theo, một số vẫn còn được sử dụng đến tận thế kỉ 20. Máy tính cộng trừ cơ (ảnh) vẫn là một thiết bị văn phòng phổ biến cho đến khi bị thay thế bằng các máy tính bỏ túi vào thập kỉ 70.
2. Babbage’s Difference Machine: Chiếc máy cơ học có thể tính được các bảng đa thức
Nếu bàn tính hay thước trượt chỉ có thể tính các phép tính đơn lẻ, Babbage's Difference Machine làm được hơn thế rất nhiều: nó là một máy tính vạn năng có thể tự động liên kết các phép tính tạo thành những bước khác nhau của một tính toán phức tạp. Cỗ máy này được thiết kế trong khoảng thời gian từ năm 1847 đến 1849 nhưng Babbage chưa bao giờ có cơ hội chế tạo nó thực sự.
Tuy nhiên, năm 1991, viện bào tàng khoa học London đã dựng lại một mô hình cỗ máy của Babbage từ những thiết kế của ông. Và kì diệu thay, nó hoạt động hoàn hảo. Dù sản phẩm của Babbage chỉ đơn thuần là một cỗ máy cơ học, được vận hành bởi cần quay, các mấu nối, bánh răng và đòn bẩy, nó lại có thể tính toán chính xác và in ra các bảng đa thức dùng cho thiên văn học và đạn đạo học.
Sau đó, Babage còn tiến hành thiết kế một cỗ máy mang nhiều hoài bão hơn: máy phân tích chạy bằng hơi nước (Analytical Engine) có thể lập trình bằng các thẻ đục lỗ để thực hiện bất kỳ phép tính nào với độ chính xác 20 chữ số. Trong thiết kế máy phân tích của Babbage, ta có thể thấy 4 thành phần cơ bản của bất kỳ máy tính hiện đại ngày nay là thiết bị nhập (input), thiết bị xuất (output), thiết bị xử lý (processing) và lưu trữ (storage).
Thiết kế máy phân tích này của Babbage có thể nói đã tiến xa hơn cỗ máy đầu tiên của ông và đến rất gần với các máy tính hiện đại có thể lập trình được. Tuy nhiên, vì lí do tài chính, ông và người cộng sự của mình Ada Lovelace không thể chế tạo được nó. Hiện tại, cũng chưa ai làm điều này để kiểm chứng khả năng của nó. Chính vì thế, cỗ máy phân tích này chỉ dừng lại ở ý tưởng.
3. Colossus: Máy tính hoàn toàn điện tử đầu tiên
Cũng như máy phân tích của Babbage, Colossus là một máy tính đúng nghĩa đầu tiên, dẫu rằng nó được thiết kế chỉ để thực hiện một loại phép tính duy nhất. Điều đáng nói ở đây là: Colossus là máy tính đầu tiên hoàn toàn điện tử. Colossus được chế tạo bởi Tommy Flowers cùng đội ngũ cộng sự của ông ở Post Office Research Station tại London. Sau đó, cỗ máy này được chuyển đến Bletchley Park sử dụng để giải mã các thông tin trong Thế Chiến II.
Trước đó, một máy tính cơ của quân Anh đã có thể giải mã các thông điệp được mã hóa bởi cỗ máy nổi tiếng Enigma của Phát xít Đức. Tuy nhiên, sự ra đời của một công cụ mã hóa phức tạp hơn nhiều bên phía quân Đức đã khiến quân đội Anh phải thiết kế một máy giải mã điện tử có tốc độ cao hơn.
Colossus có không ít hơn 2400 van hơi. Dữ liệu được nhập vào trực tiếp một băng giấy. Vì vậy, tốc độ giải mã của máy phụ thuộc vào tốc độ đọc băng, ở tốc độ cao nhất Colossus có thể giải mã 5000 kí tự/ giây. Hiện nay, một phiên bản tái tạo của Colossus được trưng bầy tại bảo tàng máy tính quốc gia Anh ở Bletchley Park.
4. ENIAC: Máy tính điện tử đa năng đầu tiên
Eniac được chính phủ Mỹ đặt hàng với mục đích nghiên cứu vũ khí hạt nhân và được thiết kế để thực hiện mọi chức năng được lập trình. ENIAC có 17,648 van, 7200 diode, 70000 bộ điện trở và 10000 tụ điện, tất cả được nối với nhau bằng khoảng 5 triệu mối hàn tay. Nó nặng 27 tấn, với kích cở 2.6x0.9x26m và tiêu thụ 150kW điện. ENIAC đã làm tiêu tốn của chính phủ Mỹ một khoản tương đương 6 triệu USD bây giờ (chưa bao gồm hóa đơn tiền điện).
So với những chiếc máy tính thực hiện các chức năng thực tiễn khác, ENIAC là một con chim lạc đàn theo khía cạnh kỹ thuật. Nó sử dụng một hệ thống thập phân 10 con số, chứ không phải là các hệ thống nhị phân bao gồm các con số 0 và 1 được gần như toàn bộ các máy tính sau này sử dụng.