Quản Trị Mạng - Về mặt kỹ thuật, trình duyệt Firefox đã được tích hợp sẵn tính năng bảo mật khá toàn diện giúp người dùng không bị theo dõi và giám sát khi truy cập Internet, nhưng chưa được kích hoạt sẵn ở chế độ mặc định. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu và hướng dẫn các bạn cách lựa chọn và sử dụng chế độ này của Firefox.
Bên cạnh đó, Firefox còn có thể gửi dữ liệu, thông tin cá nhân của người sử dụng tới Mozilla và Google, nhưng các tùy chọn này không bắt buộc. Vì thực chất, Mozilla và Google sẽ sử dụng những dữ liệu được gửi về để nghiên cứu và phát triển thêm Firefox.
Do Not Track:
Trên thực tế, Firefox sẽ gửi đi tín hiệu Do Not Track mỗi khi người dùng truy cập vào 1 website nào đó, và yêu cầu website không “giám sát” người dùng. Chức năng này chưa được kích hoạt ở chế độ mặc định, do vậy chúng ta phải thực hiện theo cách thủ công.
Mở tùy chọn Options của Firefox, chọn tab Privacy.
Đánh dấu check vào ô Tell websites I do not want to be tracked. Tuy nhiên, có nhiều website vẫn có thể bỏ qua tính năng bảo mật này của Firefox, đồng thời Do Not Track cũng có sẵn trong Internet Explorer 9 và Apple Safari, nhưng không có trong trình duyệt Google Chrome.
Search Suggestions:
Firefox sẽ gửi từng ký tự tìm kiếm mà người dùng gõ vào ô Search tới Search Engine mặc định, và hệ thống sẽ trả về các kết quả dựa trê gợi ý như hình trên.
Chúng ta có thể dễ dàng tắt bỏ tính năng này bằng cách nhấn chuột phải vào ô Search và bỏ dấu check trong phần Show Suggestions.
Safe Browsing:
Firefox sử dụng cùng công nghệ phát hiện malware và fishing của trình duyệt Google Chrome. Cũng giống với Chrome, Firefox có cơ chế tự động tải và cập nhật danh sách các website độc hại từ Google mỗi lần 30 phút. Nếu người dùng truy cập vào những website đó thì Firefox sẽ liên lạc với Google để xác nhận tình trạng thực sự của domain đang sử dụng.
Tuy nhiên, Google cũng không thể biết hết được các website phát tán mã độc, nhưng các cookies của Google có trên máy tính của người dùng cũng có thể được gửi đi 1 cách bí mật. Công nghệ phát hiện malware và phishing sẽ giúp chúng ta bảo vệ được thông tin, dữ liệu cá nhân, nếu bạn muốn thay đổi hoặc tắt bỏ chức năng này thì hãy sử dụng tùy chọn trong phần Security.
Cookies:
Chọn Use Custom Settings for History trong menu hiển thị bên cạnh phần Firefox will như hình trên, chúng ta có thể xem được các tùy chọn về cookies của Firefox.
Trên thực tế, nhiều website quảng cáo hoàn toàn có thể theo dõi, giám sát hoạt động của người dùng với cookies từ phía third party. Nếu không muốn dùng thì các bạn hãy bỏ dấu check tại ô Accept third-party cookies như hình dưới.
Các cookies First-party cũng có thể được sử dụng để giám sát, và nhiều chức năng trên website sẽ không hoạt động nếu chúng ta tắt bỏ chức năng hoạt động của toàn bộ cookies, chúng ta có thể thiết lập chế độ tự động xóa cookies mỗi khi tắt Firefox. Quá trình này sẽ ngăn chặn việc website tự động xây dựng và thu thập các thông tin về người dùng qua từng thời điểm họ truy cập Internet. Chỉ cần kích hoạt tùy chọn Clear history when Firefox closes và nhấn nút Settings.
Chọn Cookies và các loại dữ liệu tương ứng muốn Firefox tự động xóa và nhấn OK.
Crash Reports và Performance Data:
1 tính năng khác của Firefox là ghi nhớ và gửi báo cáo về những lần xảy ra lỗi trực tiếp về Mozilla, với những dữ liệu thu thập được thì nhà phát triển sẽ dễ dàng hơn trong việc giải quyết vấn đề và cải thiện hiệu suất của trình duyệt:
Firefox không bao giờ tự động gửi báo cáo lỗi mà sẽ hiển thị bảng thông báo cho người dùng lựa chọn, và quá trình này sẽ không chia sẻ hoặc gửi bất kỳ dữ liệu cá nhân nào của người sử dụng với Mozilla. Còn tùy chọn Submit Performance Data sẽ đảm nhận nhiệm vụ gửi báo cáo về tình hình hoạt động, hiệu suất làm việc cũng như mức sử dụng tài nguyên hệ thống ở chế độ background. Sau đó, nhấn nút OK để lưu lại các thiết lập. Chúc các bạn thành công!