Vụ Thương Mại Điện Tử (TMĐT), Bộ Thương Mại vừa đánh giá tổng kết tình hình TMĐT trong 6 tháng đầu năm 2006. Theo đó, TMĐT đã có bước tiến đều khắp trên mọi khía cạnh từ luật pháp, chính sách đến hoạt động của doanh nghiệp (DN).
Năm 2006 là năm đầu tiên triển khai "Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010" theo Quyết Định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ Tướng Chính Phủ. Đây cũng là năm mà khung pháp lý cho TMĐT bắt đầu đi vào cuộc sống: Luật Giao Dịch Điện Tử, Luật Thương Mại (sửa đổi), Bộ Luật Dân Sự (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua năm 2005 và có hiệu lực từ đầu năm 2006. Nhiều sự kiện TMĐT đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm nay, điển hình là việc Chính Phủ ban hành Nghị Định TMĐT (ngày 9/6/2006) hướng dẫn thi hành Luật Giao Dịch Điện Tử và Luật Thương Mại.
Theo đà phát triển, một số vấn đề mới đã phát sinh liên quan đến TMĐT như mua bán tài sản ảo, tranh chấp tên miền. Bộ Thương Mại hiện đang nghiên cứu để tiến tới ban hành quy định pháp lý về hoạt động thương mại liên quan đến tài sản ảo.
Trong 6 tháng qua, công nghiệp nội dung số (CNpNDS) cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ (xem thêm bài: "CNpNDS: Công việc của ai?" trang 8 cùng số này). Sự phát triển nhanh của CNpNDS là mảnh đất thuận lợi cho các hoạt động TMĐT liên quan.
Nghị định về TMĐT ban hành ngày 9/6/2006 là một bước tiến lớn trong việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong giao dịch TMĐT, khuyến khích TMĐT phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia, đồng thời là căn cứ pháp lý xét xử khi có tranh chấp. Đây là nghị định đầu tiên hướng dẫn Luật Giao Dịch Điện Tử, và là nghị định thứ sáu hướng dẫn Luật Thương Mại được ban hành. |
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT ở mọi hình thức giao dịch, các vấn đề an ninh, tội phạm liên quan đến TMĐT có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, tình trạng đột nhập tài khoản, trộm thông tin thẻ thanh toán cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động TMĐT lành mạnh.
Nửa đầu năm 2006 cho thấy các loại hình giao dịch TMĐT đều phát triển mạnh, đặc biệt là giao dịch giữa DN với DN (B2B). Số lượng giao dịch và cơ hội kinh doanh trên Cổng TMĐT Quốc Gia (ECVN) đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn này, thể hiện vai trò tích cực, chủ động của DN trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường khi tham gia TMĐT.
Kết quả bình chọn các website TMĐT hàng đầu tại Việt Nam do Vụ TMĐT kết hợp với Hội Tin Học Việt Nam thực hiện cũng đã được công bố. Kết quả này được đánh giá trên nhiều tiêu chí, trong đó chú trọng: thông tin về liên hệ và giới thiệu chủ trang web; thông tin về quy chế và hướng dẫn sử dụng; cơ chế xác nhận giao dịch; chính sách bảo vệ thông tin cá nhân và giải quyết tranh chấp... Ngoài ra là các tiêu chí về tốc độ truy cập và các dịch vụ tư vấn hỗ trợ khách hàng.
Theo ông Trần Thanh hải, vụ phó Vụ TMĐT Bộ TM, các website giao dịch DN - khách hàng (KH) B2C của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các mặt hàng điện tử, sách báo, quà tặng, mỹ phẩm, phần mềm và các tour du lịch. Chỉ một số ít bán hàng tự sản xuất, còn lại phần lớn là bán hàng thương mại. Đối với các website giao dịch giữa KH với nhau (C2C), nội dung chủ yếu là rao vặt, đấu giá và các e-store. Các website B2B tuy hình thức chuyên nghiệp nhưng đa số các tính năng chưa mở rộng như tính năng đấu giá, đấu thầu... do vậy còn ít thành viên tham gia.
Nga Vy