Tình trạng thiếu hụt chip xử lý toàn cầu trong hơn một năm qua đã có tác động tiêu cực đến hàng loạt lĩnh vực trọng yếu khác nhau. Trong đó, chịu tác động nặng nề nhất phải kể tới ngành công nghiệp điện thoại thông minh.
Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang quay cuồng dưới sự tàn phá của cơn bão mang tên “thiếu hụt chip xử lý”. Điều này đặt cả phía nhà sản xuất thiết bị cũng như người tiêu dùng vào thế khó, đặc biệt trong vấn đề giá bán và lợi nhuận.
Theo nhận định của những người trong cuộc, tình trạng khó khăn này khả năng cao sẽ vẫn còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới, trước khi cho thấy những dấu hiệu tích cực đầu tiên. Là một trong những đơn vị sản xuất bán dẫn cũng như điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, Samsung là người hiểu rõ hơn ai hết những ảnh hưởng mà “cơn hạn hán” tai hại này mang tới. Và công ty cũng đủ tầm nhìn để nhận thức về tương lai của thị trường.
Theo gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, tình trạng thiếu hụt chip xử lý sẽ tiếp tục kéo dài cho đến đến ít nhất nửa cuối năm 2022. Đây trên thực tế cũng chính là một trong những vấn đề trọng tâm, đã được chủ tịch TM Roh, Giám đốc mảng di động của Samsung đưa vào bàn tròn thảo luận với các đại diện từ hơn 30 đối tác và nhà cung cấp liên quan, trong một hội nghị diễn ra giữa tháng 11 vừa qua.
Tại cuộc họp, người đứng đầu mảng kinh doanh smartphone của Samsung lưu ý rằng các dòng sản phẩm chipset (đặc biệt là chip RF), sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho đến nửa cuối năm 2022. Nhưng song song với đó, Samsung cũng đang triển khai nhiều chiến lược cần thiết để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt. Kế hoạch trọng tâm sẽ là thúc đẩy triển khai các hợp đồng lớn, mang tính truyền thống với các đơn vị sản xuất chip để đảm bảo năng lực sản xuất. Ngoài ra, Samsung cũng sẽ tăng cường lượng dự trữ nguồn cung chip, lên mức 4 tuần thay vì 2 tuần như hiện tại.
Nhận định trên của Samsung không khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Trước đó không lâu, trả lời báo giới về triển vọng của thị trường chip xử lý toàn cầu trong năm 2022, Giám đốc điều hành AMD, cũng là một trong những nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, cũng tỏ ra tương đối thận trọng. CEO Lisa Su kỳ vọng tình trạng thiếu chip trên quy mô lớn như hiện nay sẽ tiếp diễn cho đến hết nửa đầu năm 2022. Sau đó, tình hình sẽ được cải thiện và chỉ còn xảy ra cục bộ ở một số lĩnh vực nhất định vào cuối năm.
Hiện tại, còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận chính xác nào. Nhưng với nhận định của các chuyên gia đầu ngành, bức tranh chung về thực trạng của ngành công nghiệp bán dẫn có lẽ sẽ khó xuất hiện những gam màu tươi sáng trong vài tháng tới.