Dân Mỹ đã chi tới hơn 100 tỷ USD cho việc mua sắm qua mạng Internet trong năm 2006, và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này dường như sẽ còn duy trì trong nhiều năm tới, giới phân tích dự đoán.
Bản báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu comScore Networks cho biết "ngân sách" chi cho mua sắm trực tuyến (không tính đặt tour du lịch), đã đạt mốc 102,1 tỷ USD trong năm ngoái, tăng tới 24% so với năm 2005. Trong đó, phần đóng góp của hai tháng 11 và 12 là "nặng ký" nhất: 24,6 tỷ USD.
"Thương mại điện tử đang dần chiếm vị trí chủ đạo", chuyên gia Jeffrey Grau của eMarketer thốt lên. "Ngày càng có nhiều người chuộng hình thức mua sắm này hơn. Số hàng họ mua và số tiền họ bỏ ra nhiều chưa từng có trong lịch sử".
Liên tục cải tiến
Sự tiện lợi, đáng tin cậy và mức giá hời đang là "nam châm" hút khách đến với thương mại điện tử. Nguồn: Amazon |
Đi xa hơn, hãng đầu tư Cowen dự đoán rằng doanh thu từ thương mại điện tử có thể đạt tới cột mốc 225 tỷ USD vào năm 2011. "Còn tại Mỹ, doanh thu cũng sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2007, nhờ vào tác động của ba yếu tố: sự phổ cập của băng thông rộng, mức giá hời của các kênh bán hàng trực tuyến và sự tiện lợi ngày càng cao của thương mại điện tử".
"Các hãng bán lẻ cần chú ý nghiêm túc đến xu hướng này, nếu như họ không muốn tụt lại phía sau", Cowen kết luận. "Thương mại điện tử đang ở giai đoạn hoàng kim và chưa hề có dấu hiệu ngừng lại. Nó sẽ tiếp tục vươn mình với tốc độ bỏ xa các hãng bán lẻ offline".
Thời gian qua, các dịch vụ mua sắm qua mạng đã cải tiến và điều chỉnh rất nhiều để mang đến sự thoải mái, tiện lợi cao nhất cho khách hàng. Người tiêu dùng giờ đây có thể an tâm mua sắm đủ mọi hàng hóa từ Internet, từ quần áo, đồ điện tử cho đến những thứ xa xỉ như trang sức, đồ nội thất.
Để phục vụ những khách hàng có nhu cầu mua nhẫn kim cương qua mạng, các website có hẳn phần chú giải các ký hiệu, thuật ngữ chuyên môn. Còn đối với đồ gỗ nội thất, bạn sẽ được xem những video clip hướng dẫn cách bày biện đồ đạc trong nhà.
Xây dựng niềm tin
Một yếu tố nữa cũng khiến cho thương mại điện tử tăng vọt là sự đúng hẹn của các dịch vụ giao hàng. "Nếu website cam kết sẽ chuyển hàng tới cửa nhà bạn đúng ngày Noel, họ sẽ làm đúng như vậy. Chưa bao giờ, niềm tin của người tiêu dùng dành cho thương mại trực tuyến lại cao đến như vậy".
3 tuần cuối cùng trước Noel chứng kiến một cơn "bão lốc" trên các website thương mại điện tử: dân tình đổ xô vào mua sắm và càn quét qua tất cả các mặt hàng, với một sức mạnh và tốc độ có thể nói là chóng mặt. Theo thống kê, doanh thu trong thời gian này đã tăng tới 31% so với cùng kỳ năm 2005.
"Một số hạng mục hàng hóa rất có thể sẽ bắt kịp, thậm chí qua mặt các cửa hàng bán lẻ. Thí dụ như tải phim và nhạc số chẳng hạn. Chúng ta sẽ chứng kiến sự đổi chiều từng bước của thị trường: từ những cửa hàng gạch xây chuyển sang các quầy nhạc vô hình như iTunes", Cowen dự đoán.
Tranh đất với bán lẻ
Tại Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ phổ cập băng thông rộng cao nhất thế giới, doanh thu từ thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 8% tổng doanh thu bán lẻ. Tốc độ tăng trưởng của nó thì nhanh gấp 3 lần so với các cửa hàng offline.
Những ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ như Wal-mart và Target cũng đang rất tích cực sử dụng Internet, song song với hệ thống cửa hãng đại lý của mình. Nếu không ưng ý một sản phẩm mua qua mạng, khách hàng có thể mang đến trả trực tiếp tại cửa hàng, thay vì hì hục ra bưu điện gửi trả website.
Nhưng thường thì những website thương mại trực tuyến thuần túy như Amazon.com hay đưa ra những mức giá hời hơn.
Chi phí vận hành rẻ hơn (vì không tốn tiền thuê cửa hàng, kho bãi), cho phép họ liên tục trình làng những chương trình khuyến mại, giảm giá đầy hấp dẫn. Đó là lý do vì sao Amazon.com đứng đầu tuyệt đối về doanh thu của làng thương mại điện tử thế giới trong mùa mua sắm Giáng sinh vừa qua.
Trọng Cầm