Mục tiêu trong năm 2010, Thừa Thiên - Huế sẽ phải đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trở lại nhóm dẫn đầu của toàn quốc (từ vị trí 7 - 10), trong đó CNTT được xem là “đòn bẩy” của mục tiêu này.
60% doanh nghiệp lớn dùng TMĐT
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Trưởng phòng Thông tin xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, với mục tiêu giảm bớt chi phí về thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận thông tin, địa phương đã và đang triển khai đề án phát triển TMĐT, trong đó xác định: cuối năm 2010, khoảng 60% doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tiến hành giao dịch thương mại điện tử (GDTMĐT) loại hình “doanh nghiệp với doanh nghiệp”; 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ biết đến lợi ích TMĐT và tiến hành GDTMĐT loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “doanh nghiệp với doanh nghiệp”; khoảng 10% hộ gia đình tiến hành GDTMĐT loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” và “người tiêu dùng với người tiêu dùng”.
Hiện tại, đã có hàng ngàn người tiêu dùng và hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đã nhìn nhận được vai trò của TMĐT là một trong những công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí trung gian, bán hàng, tiếp thị, giao dịch thanh toán cũng như mở rộng khả năng lựa chọn hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Để gỡ rối cho doanh nghiệp khi tiến hành đẩy mạnh GDTMĐT, ngoài việc hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý đối với hoạt động TMĐT; quan tâm, hỗ trợ bằng việc đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng cán bộ chuyên trách về TMĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đang hoàn thiện đề án xây dựng sàn Trung tâm GDTM trực tuyến Bắc miền trung đóng tại Tp. Huế để trình Chính phủ phê duyệt.
Cùng với các doanh nghiệp, Công an TP. Huế cũng đang tích cực ứng dụng CNTT trong việc “thông báo khách lưu trú qua mạng internet” trên địa chỉ www.catphue.vn.
Giải quyết kiến nghị qua cổng thông tin
Ông Phan Ngọc Thọ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, với mục đích nâng cao tính minh bạch, giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin, Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế với địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn được xác định là phương tiện thông tin của UBND tỉnh với mục đích thông tin tuyên truyền và định hướng dư luận thông qua việc cung cấp các thông tin về lịch sử, văn hoá, các hoạt động kinh tế xã hội của Tỉnh và các hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Tỉnh; là đầu mối kết nối hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan hành chính các cấp, hướng tới phục vụ triển khai hoạt động dịch vụ công và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính quyền với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Từ nhịp cầu này, rất nhiều chế độ, chính sách, quyết định, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời đến với người dân, doanh nghiệp và ngược lại, những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được kịp thời phản ánh, chuyển tới các cơ quan chức năng giải quyết. Các sự kiện chính trị, văn hoá xã hội... quan trọng của Tỉnh, ý kiến chỉ đạo Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế truyền tải kịp thời, có định hướng rất tốt cho người dân, doanh nghiệp...
Thông qua Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế, người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể phản ánh những kiến nghị, cũng như gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh để được xử lý, giải quyết và phản hồi lại trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế còn có phiên bản tiếng nước ngoài (tiếng Anh và tiếng Pháp) với các nội dung tương tự trang tiếng Việt, đáp ứng được nhu cầu muốn nắm bắt, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên - Huế của kiều bào và các nhà đầu tư nước ngoài. Trong những kỳ họp HĐND tỉnh, huyện vừa qua, Thừa Thiên- Huế đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng nhờ ứng dụng CNTT trong việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của các tổ chức cá nhân trong và ngoài địa phương.
Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn là đầu mối kết nối hoạt động và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính quyền với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.