"Nỗi khổ" lớn nhất của những dòng điện thoại di động mang thương hiệu Q-Mobile, F-Mobile, Mobistar... là làm thế nào để người tiêu dùng và các nhà quản lý công nhận chúng là thương hiệu quốc gia.
Ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường
Với ưu thế giá rẻ, thêm vào đó hầu hết đều hỗ trợ chế độ hai sim và hai sóng, nhiều tính năng, những điện thoại thương hiệu Việt như F-mobile, Q-mobile, Mobistar… ngày càng được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Theo thống kê của nhà phân phối CMC, trong năm 2009 dòng điện thoại này chiếm tới 15% thị phần điện thoại di động bán ra trong nước. Theo ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc của Công ty Viễn thông An Bình (Công ty đang sở hữu thương hiệu điện thoại di động Q-Mobile), thương hiệu này chiếm tới 20% tổng số lượng điện thoại bán ra trong nước và xếp ở vị trí thứ 2 (số liệu được tính từ dữ liệu xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương) về thị phần. Đồng thời công ty này đang phấn đấu sẽ vươn lên vị trí thứ nhất trong quý 3/2010, nhằm khẳng định sức mạnh của điện thoại thương hiệu Việt.
Xuất hiện từ năm 2008 và để tạo được chỗ đứng như ngày nay, các doanh nghiệp làm thương hiệu điện thoại Q - Mobile, Mobistar và F – Mobile đã phải can thiệp sâu vào những chiếc điện thoại sản xuất từ Trung Quốc này. Từ tính năng đến diện mạo, thậm chí là thuê cả những chuyên gia nước ngoài để thiết kế mẫu mã điện thoại cho riêng mình. Chính vì thế, kiểu dáng và chất lượng điện thoại ngày càng phong phú hơn, phù hợp với người dùng. Cũng từ đó những chiếc điện thoại thương hiệu Việt đã vươn lên mạnh mẽ và có chỗ đứng như ở trên. Có điều mặc dù đã mang thương hiệu Việt, được người dùng đón nhận, nhưng những điện thoại trên vẫn chưa được công nhận là thương hiệu điện thoại quốc gia. Nguyên nhân vì chúng được sản xuất tại Trung Quốc.
Khó để được công nhận là thương hiệu quốc gia
“70% giá trị chiếc điện thoại Q – Mobile là do An Bình nắm giữ khi thiết kế các chức năng và kiểu dáng. Thế nhưng khi nhập về Việt Nam thì những chiếc điện thoại này lại bị đối xử như các mặt hàng nhập khẩu khác, không được sự ưu tiên nào trong khi nó là điện thoại thương hiệu của Việt Nam, như thế thật khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này”, đó là trăn trở của ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc công ty Viễn thông An Bình, khi làm việc với Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và đoàn công tác của Bộ TT&TT vào chiều 26/03/2010. Chính vì thế, ông Minh cũng đề nghị Bộ xem xét và có một sự thẩm định về thương hiệu cho những chiếc điện thoại do công ty mình sản xuất, bởi thực tế nó là của người Việt làm ra.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Quyền Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT thì để điện thoại thương hiệu Việt được xem như là một thương hiệu điện thoại quốc gia là vô cùng khó. Bởi chương trình thương hiệu quốc gia là do Bộ Công Thương chủ trì và tiêu chí quan trọng đặt ra là sản phẩm đó phải sản xuất trong nước. Trong khi những chiếc điện thoại trên được sản xuất tại Trung Quốc, vì thế các doanh nghiệp phải làm cách nào đó chứng tỏ được giá trị của mình làm ra trong chiếc điện thoại theo tỷ lệ phần trăm quy định mới hi vọng được công nhận.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, để thay đổi được cách nhìn nhận của chương trình thương hiệu quốc gia về điện thoại thương hiệu Việt, cách tốt nhất là doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các tiêu chí mà chương trình đưa ra. Giải thích được các tiêu chí này, đưa ra được các dẫn chứng để chứng minh. Chẳng hạn như việc Dell, Compaq, Sony… sản xuất tại Trung Quốc, nhưng vẫn là của người Mỹ. Khi doanh nghiệp đưa ra các cách giải thích chứng minh được sản phẩm của mình khác các sản phẩm khác, Bộ TT&TT sẽ có văn bản hỗ trợ để doanh nghiệp được công nhận là thương hiệu quốc gia…
Nhìn chung, để được công nhận và được hưởng những ưu đãi như các mặt hàng sản xuất trong nước, của điện thoại thương hiệu Việt vẫn là điều rất khó. Muốn tạo ra được sự thay đổi, các doanh nghiệp cần phải làm sao để chứng minh được giá trị phần lớn của chiếc điện thoại đó là do chính mình làm ra và nghiên cứu kỹ các cơ chế pháp lý thì mới có hi vọng.