Thế giới “xếp hàng” chờ đợi quy trình 6nm mới của TSMC và hệ lụy của sự phụ thuộc

Qualcomm, MediaTek và Unisoc, ba nhà sản xuất chipset hàng đầu thế giới - vừa chính thức công bố thỏa thuận đặt hàng với TSMC cho các mẫu chip xử lý ứng dụng di động 5G sắp ra mắt. Đang chú ý, toàn bộ các đơn đặt hàng đều hướng đến quy trình 6nm của nhà sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan.

Theo báo cáo mới được đưa ra gần đây, trích dẫn các nguồn tin thân cận trong ngành của DigiTimes, hàng loạt công ty nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực chip xử lý đã đồng loạt thông qua thỏa thuận đặt hàng đối với quy trình 6nm của TSMC - nhà sản xuất chip hợp đồng số một hiện nay. Đáng chú ý, danh sách này còn có sự góp mặt của hai “ông kẹ” trong ngành: Qualcomm và MediaTek. Điều này cho thấy tính ưu việt trong dây chuyền 6nm mới của TSMC. Nhưng bên cạnh đó cũng chỉ ra sự phụ thuộc “nguy hiểm” của ngành công nghiệm bán dẫn đối với một cái tên duy nhất.

Ở thời điểm hiện tại, thông tin chi tiết về các đơn đặt hàng vẫn chưa được tiết lộ chính thức. Tuy nhiên trước đó, TSMC cũng đã lên tiếng đảm bảo đáp ứng đủ cho các đơn đặt hàng từ Qualcomm liên quan đến một số dòng chip mới của công ty dự kiến sẽ ra mắt vào nửa cuối năm nay. Các đơn đặt hàng này dường như nhắm đến cả quy trình 5nm, nhưng chủ yếu sẽ là 6nm của TSMC, dành cho các bộ vi xử lý di động tầm trung đến cao của Qualcomm sẽ trình làng trong vài tháng tới.

TSMC

Điều này đã phần nào chỉ ra tầm ảnh hưởng cực lớn của TSMC trong ngành công nghiệp chip bán dẫn hiện nay, cũng như sự phụ thuộc của “phần còn lại”. Hơn nữa, tin tức cũng đến trong bối cảnh sự thiếu hụt chất bán dẫn đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác nhau trên toàn cầu. Trong đó phải kể tới hàng loạt lĩnh vực thiết yếu như sản xuất ô tô, điện tử tiêu dùng và thậm chí cả ngành công nghiệp điện thoại thông minh.

Các thống kê đã chỉ ra rằng chỉ trong vài năm trở lại đây, TSMC đã đạt được những bước tăng trưởng vượt bậc để vượt lên trở thành “kẻ dẫn dắt cuộc chơi” trong ngành công nghiệp bán dẫn. Kéo theo đó là ảnh hưởng ngày càng lớn của nhà sản xuất này lên nền kinh tế và đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu. Với giá trị vốn hóa thị trường ước tính đạt 550 tỷ USD, TSMC hiện nằm trong top những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới.

Theo nhận định từ giới chuyên gia, nhà sản xuất chip hiện rất khó để theo kịp TSMC. Và ở chiều ngược lại, TSMC cũng không thể sản xuất đủ chip để đáp ứng cho nhu cầu của các bên, thực tế này đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt chip xử lý đáng báo động đang diễn ra trên toàn cầu. Điều này dẫn đến giá bán của sản phẩm cuối đến tay người dùng cũng vì thế mà tăng thêm. Và trong trường hợp có sự “bất ổn” nào đó bất ngờ đến với TSMC, hiệu ứng tiêu cực sẽ nhanh chóng lan rộng, cùng thiệt hại khó đong đếm.

Thứ Hai, 28/06/2021 23:44
31 👨 208
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ