Thị trường notebook và laptop đang hiện rõ dấu hiệu suy thoái một cách trầm trọng, và chắc chắn, các hãng sản xuất chip sẽ phải hứng chịu hậu quả đầu tiên.
Doanh số tụt
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước bờ vực suy thoái, các hãng sản xuất máy tính xách tay, nhà phân phối lẫn sản xuất linh kiện tại Mỹ lẫn châu Á đều lao đao.
Sức cầu yếu và hàng loạt đơn hàng lớn bị hủy bỏ khiến cho doanh số tiêu thụ sụt giảm nặng nề.
Đồng thời, ngân sách eo hẹp càng thúc đẩy người dùng tìm mua những mẫu notebook giá rẻ, hoặc netbook kiểu như Laptop 100 USD.
Thông thường, nhóm sản phẩm này chỉ sử dụng những con chip đời thấp, giá rẻ, hiệu suất trung bình để tiết kiệm chi phí cũng như không gian.
Hệ quả là lợi nhuận của các hãng chip cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
"Những khó khăn của kinh tế vĩ mô đang lan sang địa hạt notebook. Chúng ta sẽ nhìn thấy điều này rất rõ ở 2 phương diện.
Một là doanh số xuất xưởng kém hẳn, hai là xu hướng người dùng chuyển sang các sản phẩm giá rẻ", chuyên gia JoAnne Feeney của FTN Midwest Securities bình luận.
Giá phải hạ
Nguồn: AP |
Tuy nhiên, theo dự đoán, số chip cung cấp cho các hãng sản xuất máy tính xách tay trong quý IV sẽ giảm từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những dự đoán trước đây, khi giới phân tích tin rằng doanh số tiêu thụ sẽ tăng từ 10-15%.
Nếu không có gì thay đổi, Intel - hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay, sẽ giảm giá mạnh để cạnh tranh với đối thủ AMD.
Từ trước tới nay, nhiều hãng vẫn lựa chọn chip AMD cho notebook bình dân, bởi lẽ so với chip Intel, chip của AMD có già thành thấp hơn khá nhiều.
Nhưng với việc Intel đại hạ giá sản phẩm, chắc chắn nhiều hãng PC sẽ phải nghĩ lại, do quan hệ với doanh nghiệp của Intel "tốt hơn", đồng thời người dùng cũng chuộng thương hiệu Intel hơn.
Giá rẻ lên ngôi
Mặc dù vậy, nhà phân tích Tristan Gerra vẫn hạ thấp dự báo lợi nhuận của Intel trong năm 2008 từ 1,10 USD xuống còn 1,08 USD.
Sang đến năm 2009, triển vọng còn thấp hơn khi "tụt" từ mức 85 cent xuống còn 56 cent.
Bản thân Intel cũng nhận thức rõ sức cầu đi xuống trên thị trường notebook, vì thế, hãng cũng đã khuyến cáo giới đầu tư về kết quả kinh doanh trong quý IV năm nay.
Ngay cả các hãng sản xuất máy tính xách tay từ Đài Loan - thị trường chứng kiến sức tăng trưởng mạnh mẽ và sôi động nhất hiện nay, cũng chịu chung cảnh ngộ.
Doanh số xuất xưởng trong 3 tháng cuối năm sẽ giảm từ 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Sẽ ngày càng có nhiều người chọn mua những chiếc netbook có giá dưới 300 USD. Netbook giống như quái vật xấu xí Frankenstein vậy.
Bạn tạo ra nó và căm ghét nó vì nó chẳng mang lại nhiều lợi lộc cho mình. Nhưng bạn lại không thể giết chết nó vì đấy là thứ duy nhất bán chạy hiện nay", Gerra ví von.