Mẫu AirPods thế hệ tiếp theo sẽ sở hữu khả năng truyền dẫn âm thanh qua xương?

Liệu mẫu AirPods thế hệ tiếp theo của Apple sẽ được đổi tên thành iBone?

Có thể không, nhưng các kỹ sư tại Cupertino đang thực sự nghiêm túc trong việc khám phá một cách tiếp cận mới mẻ hơn cho dòng tai nghe AirPod của hãng.

Thông tin tiết lộ từ một bằng sáng chế đã được cấp cho Apple vào ngày 4/8 vừa qua cho thấy Táo Khuyết đang quan tâm đến việc tận dụng khả năng dẫn truyền âm thanh của xương để tạo ra một mẫu tai nghe mới có cách đeo cũng như phương thức hoạt động hoàn toàn khác biệt với phần lớn tai nghe truyền thống hiện nay.

Để tạo sự dẫn truyền âm thanh qua xương, người dùng sẽ phải đeo một thiết bị có thể truyền rung động qua hộp sọ trực tiếp đến ốc tai và cuối cùng là cấu trúc tai trong. Cách tiếp cận này khác biệt hoàn toàn với nguyên tắc chuyển đổi rung động thành tín hiệu thần kinh mà não của chúng ta diễn giải thành âm thanh như thông thường.

Vậy truyền âm thanh qua xương có lợi gì?

Đầu tiên và rõ ràng nhất, phương pháp này giúp tai không bị vướng, không gây khó chịu cho tai và sẽ cực kỳ hữu ích khi bạn cần phải nghe thêm cả những âm thanh từ bên ngoài thay vì bị tiếng nhạc lấn át hoàn toàn như tai nghe truyền thống.

Ngoài ra còn phải kể tới khả năng hoạt động ở những môi trường mà tai nghe thông thường không thể chẳng hạn như dưới nước. Và hàng loạt lợi ích nhỏ khác.

Công nghệ này có nhược điểm nào không?

Một số nhà phê bình cho rằng chất lượng âm thanh truyền dẫn qua xương kém hơn nhiều so với tiêu chuẩn. Điều này phần lớn là do sự dẫn truyền của xương khá hạn chế khi xử lý âm thanh tần số cao. Công nghệ này hoạt động tốt nhất với âm thanh ở mức 4.000 Hz trở xuống, trong khi âm thanh từ 4.000 Hz đến 20.000 Hz được xử lý tốt hơn bằng cách truyền qua môi trường không khí thông thường.

Trong bằng sáng chế, Apple dự tính giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng kết hợp hai phương pháp truyền. Sẽ có một thiết bị đầu dò chịu trách nhiệm dẫn truyền qua xương đối với các dải âm ở tần số thấp và trung, trong khi âm thanh tần số cao sẽ được xử lý bằng phương pháp giống như nghe truyền thống: Sử dụng đầu dò dẫn truyền qua không khí.

Hình ảnh từ bằng sáng chế của Apple
Hình ảnh từ bằng sáng chế của Apple

Thực ra, Apple đã nghiên cứu về lĩnh vực truyền dẫn âm thanh này từ lâu. Công ty đã nhận được bằng sáng chế về khả năng khử tiếng ồn trên thiết bị dẫn truyền xương, dựa vào gia tốc kế để phát hiện các rung động. Tuy nhiên dòng AirPods hiện tại của Apple mới chỉ có tính năng khử tiếng ồn, chứ chưa sở hữu tính năng dẫn truyền qua xương.

Trên thực tế, khái niệm truyền dẫn âm thanh qua xương đã xuất hiện từ ít nhất 200 năm trước, khi nhà soạn nhạc vĩ đại Ludwig van Beethoven đã tìm ra phương pháp bù đắp cho tình trạng suy giảm thính lực của mình trong những năm cuối đời bằng cách gắn một đầu cần vào cây đàn piano và đầu kia vào giữa hai hàm răng để ông có thể "nghe" các sáng tác của mình. Ngày nay, các nhạc công vẫn thường sử dụng cách tiếp cận này khi điều chỉnh đàn piano với độ chính xác cao.

Thứ Hai, 10/08/2020 20:08
21 👨 352
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới