Nhảy vào lĩnh vực phần cứng với chiếc máy tính bảng Surface, Microsoft đang áp dụng mô hình kinh doanh của Apple, đồng thời đẩy các hãng sản xuất máy tính đối tác vào thế bí. Một kỷ nguyên mới đã được mở ra, nơi chỉ có Apple, Google và Microsoft mới là những công ty có thể làm nên chuyện.
Cách đây ít ngày, Microsoft trình làng Surface, chiếc máy tính bảng với màn hình 10,6 inch, nặng có 1,5 pound và có một tấm bảo vệ màn hình có thể tháo rời và sử dụng như một bàn phím. Microsoft chưa tiết lộ về mức giá của Surface hay thời gian sản phẩm này được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Surface có thể có mặt tại các tiệm bán lẻ vào mùa mua sắm cuối năm nay.
Với bề ngoài sành điệu, Surface hoàn toàn có khả năng tạo cơn sốt. Trang blog công nghệ Gizmodo tuyên bố, Surface đã khiến máy tính MacBook Air của Apple trở nên vô nghĩa.
Nhưng theo tờ Newsweek, đó không phải là phần quan trọng nhất của câu chuyện. Điều thực sự đáng nói, theo tạp chí này, là Surface đã kết thúc một kỷ nguyên và mở ra một kỷ nguyên mới, không chỉ đối với Microsoft nói riêng mà đối với cả ngành công nghiệp máy tính nói chung.
Hãy xem mà xem, Surface không phải là sản phẩm từ bất kỳ một hãng máy tính là đối tác nào của Microsft như Dell hay HP. Thay vào đó, Surface hoàn toàn là sản phẩm do chính Microsft làm ra. Việc Microsoft tự mình chế tạo và sản xuất Surface đồng nghĩa với việc hãng phần mềm này đang áp dụng mô hình kinh doanh của Apple - sản xuất cả phần mềm hệ điều hành lẫn phần cứng.
Việc này cũng phản ánh một thay đổi lớn đang diễn ra trong khắp ngành công nghiệp máy tính. Kỷ nguyên máy tính cá nhân (PC) bắt đầu cách đây ba thập niên đang nhường chỗ cho kỷ nguyên mà CEO quá cố của hãng Apple, huyền thoại Steve Jobs, gọi là “kỷ nguyên hậu PC”. Kỷ nguyên mới này thuộc về những thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng, không chỉ đem đến những thiết bị mới mà cả mô hình kinh doanh mới.
Trong kỷ nguyên đang khép lại, Microsoft gắn với việc sản xuất phần mềm hệ điều hành, cấp phép Windows cho hàng loạt nhà sản xuất máy tính cá nhân. Trong kỷ nguyên mới, ba5 chính là Apple, Google và Microsoft sẽ cung cấp các giải pháp toàn diện, bao gồm cả 4 yếu tố là phần cứng, phần mềm hệ điều hành, gian hàng trực tuyến cung cấp các ứng dụng và nội dung như âm nhạc và phim ảnh cho thiết bị, và dịch vụ đám mây để lưu trữ nội dung.
Cả ba công ty này đều đã hội tụ đủ các yếu tố trên. Apple có iPhone và iPad, hệ điều hành iOS, gian hàng iTunes, và dịch vụ iCloud. Microsoft đã có Windows, gian hàng trực tuyến Zune Marketplace, dịch vụ lưu trữ công nghệ đám mây SkyDrive, và giờ là máy tính bảng Surface. Google thì sở hữu Android, gian hàng Google Play, dịch vụ lưu trữ Google Drive, và điện thoại thông minh Nexus.
Trong số “tam đại gia” này, Microsoft ở vào thế rủi ro nhất. Nhảy vảo mảng phần cứng, hãng phần mềm này có thể chuyển “từ bạn sang thù” đối với những nhà sản xuất máy tính cá nhân mà hãng cấp phép Windows. Nhưng mặt khác, những hãng máy tính kia cũng chẳng biết chạy đâu. Windows hiện là hệ điều hành thực duy nhất mà họ có thể dùng, ít nhất là đối với các sản phẩm máy tính cá nhân.
Đối với máy tính bảng, các hãng máy tính có thể xài hệ điều hành Android của Google. Nhưng Google cũng chẳng “tử tế” hơn Microsoft. Bởi vì, mới đây Google đã mua Motorola, một trong những hãng phần cứng dùng Android, và được dự báo sẽ sớm tung ra các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng của riêng mình.
Nhưng Microsoft không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt tay vào sản xuất phần cứng. Tờ Bloomberg Businessweek đã chỉ ra rằng, các đối tác của Microsoft có nhiều cơ hội để cạnh tranh với sản phẩm của Apple, nhưng tất cả những gì mà họ đã làm ra chỉ là “những sản phẩm sao chép, chẳng ra sao”.
Bởi thế, trong buổi lễ ra mắt Surface, CEO Steve Ballmer của Steve Jobs đã tuyên bố rằng, Microsoft vẫn rất yêu quý và đánh giá cao các đối tác phần cứng của mình. Tuy nhiên, một “sự thật mất lòng” ở đây là Microsoft đang tìm cách bỏ các đối tác này lại phía sau.
Một sự thật còn “đắng” hơn nữa là nhiều trong số những đối tác này có một tương lai bi đát đang chờ phía trước. Trong thế giới di động mới hiện nay, bất kỳ hãng nào không tự sản xuất được hệ điều hành của riêng mình đều sẽ khó lòng mà cạnh tranh nổi với các đối thủ.
Đó là lý do vì sao mà HP thâu tóm Palm công ty chỉ mới đi chập chững trong lĩnh vực hệ điều hành với sản phẩm WebOS. Nhưng không may, WebOS không thể chiếm được một chỗ đứng nào trên thị trường. Đó cũng là lý do vì sao mà CEO mới của Samsung nói nhiều tới chuyện chế tạo hệ phần mềm của riêng và giảm sự phụ thuộc vào Google cũng như Android.
Chuyện này có thể khó tin, nhưng trong 5-10 năm nữa, các hãng sản xuất điện thoại và máy tính cá nhân không có hệ điều hành riêng, cho dù đó là những tên tuổi lớn như Asus, Dell, HP, HTC hay Lenovo, đều có thể trở thành dĩ vãng. Và dù có đang sử dụng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft, thì hãng điện thoại lớn nhất thế giới Nokia cũng chỉ có thể tồn tại nếu được Microsoft rộng lòng thâu tóm.
Dĩ nhiên, Microsoft vẫn phải “đãi bôi” rằng họ rất quý trọng các đối tác phần cứng. Ở thời điểm hiện tại, hãng phần mềm vẫn cần tới các đối tác này để duy trì và tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quá trình chuyển giao sang kỷ nguyên mới.
Nhưng trong dài hạn, Microsoft muốn rằng, các sản phẩm của hãng gồm máy chơi trò chơi Xbox, máy tính bảng và điện thoại thông minh (có thể ra đời sau khi Microsoft thâu tóm Nokia chẳng hạn) sẽ là những thiết bị có sức nóng mãnh liệt nhất. Thật tuyệt nếu các công ty khác muốn sử dụng phần mềm của Microsoft để sản xuất các thiết bị di động gắn kết với gian hàng và dịch vụ trực tuyến của hãng này. Nhưng nếu điều này không xảy ra thì cũng chẳng sao.
Tương tự như vậy, Google cũng muốn, sản sản phẩm của Motorola, hay nói cách khác của Google, sẽ là những sản phẩm “nóng” nhất.
Ngoài cuộc chiến trên mặt trận điện thoại thông minh và máy tính bảng, một “chiến trường” thậm chí còn lớn hơn đang được mở ra ở lĩnh vực TV, với cả Microsoft, Apple lẫn Google đều muốn mình là bá chủ.
Apple đã gặt hái đôi chút thành công với Apple TV và thị trường đang đồn đoán hãng này sắp sửa cho ra một chiếc TV kết nối với gian hàng trực tuyến và dịch vụ đám mây của “quả táo”. Google, trong khi đó, đã thất bại toàn phần với Google TV - sản phẩm mà Newsweek gọi là một sản phẩm “chín dở”.
Thắng lợi rõ nét nhất trên mặt trận này thuộc về Microsoft. Chiếc Xbox 360 đã làm mưa làm gió trên thị trường máy chơi trò chơi video một thời gian dài và đang phát triển thành một sản phẩm giải trí đa chiều hơn với phim, âm nhạc và truyền hình trực tuyến, bao gồm cả các sự kiện thể thao.
Đến thời điểm này, có thể nói, Microsoft đã sẵn sàng cho một cuộc trở lại đầy ngoạn mục, cho dù nhiều người vội kết luận rằng, hãng này đã “hết thời”.
Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu Microsoft có lấy lại được sức hút mãnh liệt như trước? Chiếc Surface có lẽ đã đủ để đưa ra câu trả lời. Trước đây, ai mà biết trước được Microsoft lại có thể tung ra được một sản phẩm hấp dẫn như thế. Cũng chẳng ai biết Microsoft thậm chí có cả các nhà thiết kế trong đội ngũ nhân viên của họ.