iPhone 4 không chỉ là chiếc smartphone gây chú ý nhất tháng này, mà còn làm dấy lên tranh luận về chất lượng sản phẩm.
Giống như nhiều năm trở lại đây, tháng 6 là thời điểm mà làng di động chứng kiến sự xuất hiện của nhiều mẫu smartphone mới. iPhone 4 là tâm điểm của năm, trong khi đó, các tên tuổi như Samsung, Motorola cũng tung ra các phiên bản "bom tấn" chạy Android, nền tảng smartphone nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà sản xuất.
Tuy nhiên, tháng này cũng chứng kiến nhiều cuộc chia tay đáng tiếc, nổi bật trong đó là Microsoft dừng dự án Kin, thương hiệu Israel, Emblaze thất hẹn với First Else hay dòng sản phẩm SideKick chính thức nói lời từ biệt.
Dưới đây là những hình ảnh đáng nhớ của làng di động trong tháng 6.
Dù xuất hiện những phiên bản dùng thử và các tin đồn rò rỉ trước đó, nhưng khi Steve Jobs bước lên sân khấu WWDC 2010, làng di động vẫn "nín thở" để chờ chiếc smartphone thứ tư của Apple. Phiên bản mới có tên là iPhone 4, sản phẩm có thiết kế mỏng chỉ 9,3 mm, màn hình độ phân giải cao và sở hữu nhiều nâng cấp như camera 5 Megapixel, quay phim HD, vi xử lý A4 tốc độ 1GHz.
Từ nước Anh tới Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, khi Apple bán ra iPhone 4 (24/6), từng dòng người đã xếp hàng chờ đợi sản phẩm này. Trước đó, iPhone 4 đã đạt kỷ lục với 600.000 đơn đặt hàng chỉ trong một ngày, lượng yêu cầu quá lớn làm cho trang web của "Quả táo" bị lỗi và hàng phải tạm dựng việc đặt trước. Sau ba ngày, 1,7 triệu chiếc iPhone 4 đến tay người dùng, đây trở thành thiết bị ra mắt thành công nhất trong lịch sử của Apple.
Cùng thời điểm với iPhone 4 có mặt tại 5 quốc gia, một model đặt hàng trước cũng đã có mặt tại Hà Nội. Tuy nhiên, phải đến tháng 9, model chính hãng mới có thể được bán trong nước. Mức giá iPhone 4 trên thị trường xách tay hiện đang đắt đỏ, từ 1.700 đến 2.000 USD, mà thậm chí không còn hàng để bán.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của iPhone 4 đã không suôn sẻ như chính doanh số bán hàng. Những than phiền về việc model này bị vàng màn hình hay sóng kém khi dùng tay che lại khớp cạnh bên trở thành chủ đề "nóng" trên Internet. Đỉnh cao của sự kiện này là các tranh luận về e-mail người dùng và Steve Jobs về lỗi máy bị Apple cho là giả mạo, sau đó, "Quả táo" nhận được các đơn kiện về sóng yếu. Mới đây, Apple đã viết thư bày tỏ sai sót phần mềm nhận sóng và xin lỗi người dùng, đồng thời hãng cho biết sẽ đưa ra bản cập nhật trong thời gian tới.
Trước khi iPhone 4 bán ra thị trường một ngày, Motorola đã công bố "đối thủ" thực sự của sản phẩm này bằng chiếc Droid X. Sở hữu màn hình rộng tới 4,3 inch, trang bị các công nghệ kết nối mới nhất, camera 8 Megapixel, quay phim HD, chip 1GHz và sử dụng Android 2.2, Droid X được chờ đợi sẽ mang lại thành công như Droid/Milestone của hãng trước đây.
Không chịu thua kém đối thủ trong liên minh di động mở, Samsung cũng trình làng bộ sản phẩm Galaxy S cho nước Mỹ với 4 phiên bản khác nhau gồm Captivate cho AT&T, Fascinate cho Verizon, Epic 4G của Sprint và Vibrant cho T-Mobile. Đây được xem là những model với đồ họa siêu mạnh, màn hình Super AMOLED 4 inch, chip 1GHz. Galaxy S là smartphone sử dụng Android mạnh mẽ nhất từ Samsung.
Tháng 6 cũng chứng kiến nhiều cuộc chia tay đáng tiếc. Gây chú ý nhất là việc Microsoft hủy kế hoạch bán bộ đôi điện thoại Kin tại châu Âu. Sự kiện này được nhận định là một thất bại của "gã khổng lồ" về phần mềm trong kế hoạch chinh phục người dùng, cạnh tranh với Apple, Google. Microsoft cho biết, họ đang tập trung vào hệ điều hành Windows Phone 7, nền tảng sẽ có mặt trên smartphone cuối năm nay.
Có đôi nét giống Kin, Emblaze, nhà sản xuất Israel cũng đã lỗi hẹn với người dùng khi ngừng dự án trị giá 40 triệu USD trong việc sản xuất First Else, thiết bị được xem là đối thủ iPhone 3GS tại thời điểm công bố. Lý giải cho việc này, Emblaze cho biết việc dự án của họ kéo quá dài và những nguyên do về thời điểm khiến First Else bị "khai tử".
Một cuộc chia tay khác cũng không kém phần bùi ngùi là việc T-Mobile cho biết, sẽ dừng ra mắt các mẫu di động trong dòng SideKick. Đây là những chiếc di động có kiểu dáng trượt được ưa chuộng tại Mỹ, con đẻ của hãng Danger