Steve Jobs của Apple đã qua đời ở tuổi 56

Quản Trị Mạng - Steve Jobs, nhà đồng sáng lập của Apple, người đã biến thương hiệu Apple trở thành một trong những hãng công nghệ thành công nhất thế giới hiện nay đã qua đời.

Jobs đã gặp vấn đề với sức khỏe của mình trong một vài năm trở lại đây. Năm 2004, ông đã trải qua một cuộc chữa trị ung thư tuyến tụy. Ngay sau đó, ông đã quay trở lại với công việc. Tuy nhiên, năm 2009, ông lại mất thêm 6 tháng nữa để chữa bệnh “mất cân bằng hormone”, căn bệnh khiến ông trở nên gầy gò và xanh xao hơn. Đầu năm nay, Jobs tiếp tục gặp vấn đề về sức khỏe và phải vắng mặt trong một khoảng thời gian. Ngày 24/8 vừa qua, ông đã thông báo từ chức CEO và để Tim Cook lên thay thế rồi nhận chức chủ tịch hội đồng quản trị – vị trí Jobs nắm giữ cho tới khi qua đời.

Steve Jobs của Apple đã qua đời ở tuổi 56

Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin Steve Jobs đã qua đời ngày hôm nay”, Apple thông báo hôm qua. “Sự thông minh, lòng nhiệt huyết và niềm đam mê của Steve là nguồn sáng tạo vô tận có thể giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Thế giới đã trở nên tốt hơn rất nhiều nhờ có Steve”.

Người độc hành

Jobs được mọi người biết đến như là một người có tầm nhìn xa trông rộng, người độc hành hay một người khá khó tính. Người độc hành này đã bền bỉ theo đuổi tạo dựng một con đường phát triển riêng cho Apple, con đường có thể khiến đối thủ nản lòng nhưng lại cho phép họ giới thiệu những sản phẩm độc đáo. Jobs cũng đã điều hành rất thành công Pixar Animation Studios trong vòng 20 năm trước khi bán nó cho hãng Disney vào năm 2006 với giá 7.4 triệu đô.

Steve Jobs của Apple đã qua đời ở tuổi 56

Sau khi quay trở lại Apple vào năm 1996 và làm việc với Jonathan Ive, Jobs đã cho ra mắt một chuỗi sản phẩm khiến nhiều người phải ngưỡng mộ cũng như học theo cách thiết kế của những sản phẩm này. Máy tính iMac là một bước đột phá sắc bén so với những mẫu máy tính đã thống trị trong vòng 2 thập kỷ trước khi iMac ra mắt. Ipod cũng không kém cạnh khi đồng hành với kho iTunes đã làm thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, thiết bị màn hình cảm ứng iPhone và iPad đã thực sự tạo một danh mục sản phẩm mới.

Andy Grove, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của Intel, đã gọi Jobs là nhà lãnh đạo có khả năng truyền hứng tuyệt vời nhất ở thung lũng Silicon.

Tuy nhiên, về nhiều mặt, Jobs cũng là một người khá khó tính. Ông là một người quản lý với sở thích kín đáo có thể khiến đồng nghiệp và đối tác bị phân tâm. Năm 2000, ông đã từng trừng phạt hãng đồ họa ATI vì lỗi làm rò rỉ thông tin chi tiết về sản phẩm iMac. Việc từ chối cho iPhone hỗ trợ Flash và sự độc quyền trong App Store của ông đã khiến dư luận chỉ trích Apple quá khép kín và hẹp hòi.

Tuy nhiên, Jobs dường như có khả năng kỳ lạ để biết trước được xu hướng tương lai của máy tính và tiêu dùng hàng điện tử. Điều này đã giúp Apple dẫn đầu thị trường với những sản phẩm không thể thiếu.

Nhà kinh doanh

Năm 1976, Steve Jobs và Steve Wozniak là 2 nhà đồng sáng lập của công ty máy tính Apple. Kỹ năng kinh doanh của Jobs đã sớm được bộc lộ ngay từ khi ông còn trẻ. Năm 1968, ông và một người bạn đã tạo ra thiết bị "blue box", cho phép người dùng trốn cước điện thoại đường dài và bán cho bạn bè sinh viên ở Đại học California, Berkeley. Ở tuổi 20, ông đã là người hâm mộ đối với dòng nhạc dân gian Joan Baez. Ông thích mặc quần áo bình thường khi làm việc và nhạc sỹ yêu thích của ông là Bob Dylan.

Steve Jobs của Apple đã qua đời ở tuổi 56

Wozniak và Jobs đã trở thành bạn bè sau cuộc gặp ở Hewlett-Packard năm 1971. Năm 1976, họ đã xây dựng máy tính Apple I ở gara để xe của cha mẹ Jobs. Năm 1976, cặp bài trùng này đã cùng sáng tạo ra Apple Computer Co.. Công ty này đã đổi tên thành Apple Computer Inc. một năm sau đó. Thế hệ máy tính thứ 2 của Apple, máy tính Apple II, đã rất thành công với doanh số bán ra kỷ lục 139 triệu đô từ năm 1977 – 1979.

Việc Apple cho ra mắt Macintosh vào năm 1984 đã giới thiệu giao diện người dùng đồ họa với máy tính để bàn. Máy tính Mac này chạy trên vi xử lý 32-bit (so với vi xử lý 16-bit của máy tính khác ở cùng thời điểm), có 128K byte bộ nhớ trong và có thể mở rộng lên tới 192K byte. Nó tiếp tục gây dựng được thành công nhanh chóng: hơn 400,000 chiếc máy tính Macintosh được bán trong năm đầu tiên.

Tuy nhiên, Jobs và John Sculley, chủ tịch và cũng là CEO của Apple tại thời điểm đó, đã có xung đột trong cách điều hành công ty vào năm 1985. Kết quả là Jobs đã phải rời công ty với tài sản 150 triệu đô và bắt đầu cuộc phiêu lưu mới với công ty Next Computer. Công ty này cũng đã có được thành công nhưng quan trọng hơn là nó đã “đặt nền móng” cho phần cứng và phần mềm tương lai của Apple.

Ngoài Next Computer, Jobs còn mua công ty Pixar vào năm 1986 với giá 10 triệu đô từ George Lucas. Kể từ đó, nó đã tạo ra 5 bộ phim hoạt hình nằm trong top 5 bộ phim tiếng Anh thành công nhất thời đại: Monsters, Inc. (2001); Finding Nemo (2003); The Incredibles (2004); Up (2009) và Toy Story 3 (2010). Pixar cũng đã giành được hơn 100 giải thưởng, đề cử cho phim hoạt hình.

Quay trở lại Apple

Năm 1996, Jobs quay trở lại Apple sau khi hãng này mua Next Computer. Ông đã trở thành CEO lâm thời vào năm 1997 và làm hồi sinh nó qua những vấn đề về tài chính. Jobs đưa Apple vào ngành công nghiệp âm nhạc với iPod năm 2001 và với iTunes Music Store 2 năm sau đó. Cũng thời điểm này, ông đã cho ra mắt PowerMac G5, chiếc máy tính để bàn 64-bit đầu tiên.

Vào năm 2005, tại Hội nghị các nhà phát triển Apple toàn cầu, Jobs thông báo rằng hãng này sẽ thâm nhập vào thế giới của vi xử lý Intel. Một năm sau đó, để chứng minh cho nhận định trên, Apple đã cho ra mắt MacBook Pro và iMac. Tới tháng 8, công ty này đã chuyển hoàn toàn sang sử dụng chip Intel.

Tại Macworld đầu tháng giêng năm 2007, Jobs đã giới thiệu rất hoành tráng về thế hệ đầu tiên của iPhone và Apple TV. Một tháng sau đó, hãng này đã cung cấp nhạc không có DRM (quản lý bản quyền số) tại iTunes Store.

Vấn đề về sức khỏe

Tuy nhiên, sức khỏe của Jobs đã nhanh chóng trở thành tâm điểm mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Năm 2006, mọi người đều nhận thấy ông gầy hơn và sau bài phát biểu tại hội nghị Macworld năm 2008, Apple đã buộc phải hành động. Họ nói rằng Jobs đã gặp một căn bệnh phổ biến và phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Jobs và những người khác cho rằng các vấn đề về sức khỏe của ông là “không đe dọa tới tính mạng” và không liên quan tới việc tái phát của ung thư tuyến tụy.

Steve Jobs của Apple đã qua đời ở tuổi 56

Cuối năm đó, Bloomberg đã đăng tải cáo phó Jobs bị tai nạn (các hãng tin tức thường có cáo phó dành cho những người lớn tuổi nổi tiếng đã được viết sẵn và chỉ chờ để được sử dụng). Mặc dù câu chuyện này và nguyên nhân của cái chết đã biến mất một ngày sau đó nhưng nó đã làm bùng lên những lời đồn thổi về sức khỏe của ông và đặt ra câu hỏi về một tương lai không có Jobs của Apple.

Năm 2003, Steve Jobs bị phát hiện mắc phải căn bệnh ung thư tuyến tụy hiếm gặp. Một năm sau, vào tháng 8/2004, bệnh tật của ông mới được công bố khi vị CEO này phải làm phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Steve Jobs đã phải trải qua không ít đau đớn vì nhiều vấn đề sức khỏe nảy sinh sau ca phẫu thuật này. Tháng 1 đầu năm nay, Apple tuyên bố Jobs sẽ vắng mặt một thời gian tại công ty để điều trị y tế. Cho đến cuối tháng 8 vừa qua, Jobs đã chính thức rời bỏ vị trí giám đốc điều hành của mình.

Jobs còn trải qua một ca phẫu thuật cấy ghép gan vào tháng 4/2009 trong thời gian nghỉ 6 tháng đã được lên kế hoạch trước đó. Ông trở lại làm việc trong khoảng 1 năm rưỡi trước khi sức khỏe buộc ông phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Tháng 8 vừa qua, khi quyết định từ chức, Steve Jobs đã nói với các nhân viên của mình rằng “Tôi luôn luôn nói rằng nếu một ngày nào đó, khi tôi không thể đáp ứng được nhiệm vụ và những kỳ vọng trong vai trò CEO của Apple, tôi sẽ là người đầu tiên cho các bạn biết điều đó. Thật không may, ngày đó đã đến”.

Hôm qua, 05/10/2011, Steve Jobs qua đời, để lại người vợ yêu quý cùng bốn đứa con.

Vĩnh biệt Steve Jobs!

Thứ Năm, 06/10/2011 08:05
4,84 👨 1.291
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ