Sony Alpha A380 mới nhưng chưa hay

A380 có thiết kế tương tự "người tiền nhiệm" A350 với một chút cải tiến về thiết kế, nhưng mức giá hợp lý hơn.

Nằm trong phân khúc máy ảnh entry-level dành cho người mới chơi, A380 là đối thủ của Canon EOS 500D và Nikon D5000. Đặc biệt, giống như những dòng DSLR trước đó của Sony, Alpha A380 có thể tương thích tốt với các ống kính mà Minolta sản xuất.

Mặt trước của Sony Alpha A380. Ảnh: Cameralabs.

Phần quan trọng nhất của A380 là cảm biến hình ảnh 14,2 Megapixel kích cỡ APS-C 23,5 x 15,7 mm giống như của A350. Dải ISO của máy nằm trong khoảng 100 đến 3.200. Độ phân giải tầm đó là quá đủ cho nhu cầu của đa số người dùng, thậm chí cả với những nhiếp nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cảm biến này vẫn thuộc loại CCD, phần nào cho tốc độ xử lý thấp và tiêu tốn nhiều điện hơn so với các đối thủ cùng tầm dùng chip CMOS. Bù lại, Sony đã tích hợp công nghệ chống rung SteadyShot trên cảm biến. Như vậy, chức năng này có thể hoạt động tốt trên mọi ống kính tương thích của hãng mặc dù bạn sẽ không thấy được hiệu ứng chống rung trên viewfinder hay trên màn hình khi bật Live View.

Tương tự các model A300 và A350, tính năng Live View (ngắm ảnh sống) không sử dụng cảm biến chính 14,2 Megapixel để bắt hình mà dùng một cảm biến phụ đặt ẩn ngay phía trước viewfinder. Khi khởi động tính năng này, thay vì chiếu ánh sáng vào khe ngắm, lăng kính đặt trong máy sẽ quay lệch một góc nhỏ nằm đưa phần ánh sáng này vào sensor phụ để truyền tải hình ảnh lên màn hình. Như vậy, tính năng lấy nét tự động (AF) sẽ không phải thực hiện qua khâu trung gian như các máy của Canon và Nikon. Tốc độ lấy nét của máy trên lý thuyết sẽ tăng lên đáng kể, giảm bớt hiện tượng ngắt quãng Live View hay tiếng ồn của gương lật khi nhấn nút chụp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể chuyển qua lại giữa 2 chế độ Live View - ngắm qua viewfinder rất nhanh chóng và êm ái.

Mặt sau của A380 với màn hình lật và khe cắm thẻ nhớ đôi. Các nút trên mặt máy được thiết kế gọn gàng, đơn giản. Ảnh: Letsgodigital.


Màn hình của A380 vẫn không có sự đổi mới so với A350. LCD kích thước 2,7 inch, độ phân giải 230.400 điểm ảnh, hơi nhỉnh hơn Nikon D5000 (230.000 điểm ảnh) những vẫn thua xa mật độ 920.000 điểm ảnh trên Canon EOS 500D. Màn hình này có thể lật lên xuống giúp người xem chụp ảnh tại những góc thấp hoặc cao quá tầm tay, nhưng không xoay được linh hoạt như D5000.

Do nhắm đến đối tượng là những người mới chơi hoặc dân chuyên muốn tiếp kiệm chi phí nên hệ thống điều khiển của A380 được thiết kế lại nhằm tạo sự thuận lợi, trực quan hơn. Tại chế độ mặc định, giao diện trên màn hình sẽ hiển thị các thông tin đơn giản hết mức theo từng hàng riêng biệt như hàng kiểm soát ISO, phơi sáng, khẩu độ cùng hai hàng kiểm soát các thông số phụ khác. Thậm chí máy còn cung cấp cả đồ thị vui mắt nhằm giúp người dùng tính toán độ sâu trường ảnh sao cho phù hợp. Các nút và phím xoay cũng được thiết kế lại nhằm tránh sự lẫn lộn như trên A350. Sony cũng quyết định giảm bớt kích thước của chiếc máy DSLR bình dân này xuống bằng đối thủ đến từ Nikon và Canon. Đặc biệt, máy còn được trang bị thêm một nút với chức năng Smart Teleconverter tương tự như zoom số trên các máy compact. Máy có 2 nấc zoom số là 1.4x và 2x, chức năng này chỉ làm việc trong chế độ Live View. Trọng lượng của máy không kể ống kính cũng chỉ dừng lại ở 490 gram, rất thuận tiện khi mang đi du lịch dài ngày.

Máy cũng được trang bị khe cắm thẻ nhớ đôi hỗ trợ định dạng thẻ SD và Memory Stick Pro Duo (vốn là định dạng độc quyền đắt đỏ của Sony) gần giống như trên model cấp cao Nikon D300s. Bạn có thể chuyển qua lại dữ liệu giữa 2 thẻ này hoặc chọn một thẻ làm bộ nhớ nhằm tiết kiệm chi phí.

Giao diện người dùng trực quan của Sony A380. Ảnh: Cnwk.

Về nhược điểm, máy có tốc độ chụp liên tiếp khá thấp, 2,4 hình/giây, không hề có cải thiện so với A330, thậm chí còn chậm hơn một chút so với A350 và thua xa Nikon D5000 với 4 hình/giây. Tốc độ khởi động của máy dù nhanh, chỉ 0,6 giây, nhưng như thế cũng chưa thấm vào đâu so với "chớp mắt" 0,2 giây trên Nikon D5000 và Canon EOS 500D. Rõ ràng, đây không phải là sự lựa chọn khả dĩ nếu bạn muốn dùng A380 để chụp những khoảnh khắc nhanh như nhiếp ảnh thể thao, trẻ em hay phóng sự. Khả năng khử nhiễu của máy cũng chưa thật sự ấn tượng.

Bảng trên so sánh tốc độ chụp liên tiếp của A380 với đối thủ Nikon D5000, Canon EOS 500D, Olympus E-620 và ngay cả một số mẫu Alpha đời trước. Thanh biểu thị càng dài, khả năng chụp liên tiếp càng tốt. Ảnh: Cnet.


Tại ISO thấp, ảnh khá sắc nét và sặc sỡ, tuy nhiên trong vài trường hợp có sự sai lệch nhiều về màu sắc. Màu sắc cũng bắt đầu biến đổi lạ trên những thước chụp tại ISO 800 và khi tăng lên ISO 1600 ảnh đã mờ và mất dần các chi tiết. Nói chung, độ phân giải cao của cảm biến chẳng những không giúp cho ảnh thêm sắc nét mà nhiều khi còn khiến nhiễu xuất hiện tại một số vùng chụp tối tại ISO 400. Máy cũng không được trang bị tính năng quay phim vốn đang rất thịnh hành trên các dòng máy DSLR của Canon và Nikon dù tầm tiền bỏ ra không rẻ hơn các đối thủ này. Các tính năng của máy dù được Sony chu đáo thiết kế lại trong một giao diện thân thiện nhưng lại làm người dùng rối tung lên khi bắt họ phải tự thiết lập các thông số về màu sắc, tương phản và độ nét của ảnh trong mỗi style. Thậm chí cân bằng trắng của máy cũng hoạt động chưa thật sự tốt lắm, màu thường có xu hướng bị ngả sắc khi chụp trong điều kiện ánh sáng phức tạp.

Màn hình của A380 cũng hết sức tệ khi chỉ cho người dùng xem được khoảng 90% khung hình khi bật tính năng Live View do thiết kế hạn chế của sensor phụ. Ống ngắm có độ phủ nhỉnh hơn, 95% nhưng cũng khá khó nhìn do kích thước vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là hạn chế chung của những chiếc máy DSLR với tầm giá như vậy.

Mặc dù đã có một số cải thiện so với phiên bản A350 nhưng Sony Alpha 380 vẫn chưa thực sự có những thay đổi mang tính đột phá nhằm cải thiện hình ảnh trong con mắt người tiêu dùng. Với mức giá khá cao so với tính năng, khoảng 850 USD gồm body và kit 18-55 mm, chiếc máy này chưa thể cạnh tranh được với Nikon D5000 và Canon EOS 500D trên phân khúc DSLR dành cho người mới chơi.

Thứ Ba, 25/08/2009 09:05
31 👨 175
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp