Nền nhiệt cao nhất của iPad mới cao hơn iPad 2 tới 12,7°C và thực sự trở thành vấn đề khi sử dụng ở môi trường có nền nhiệt cao hay dưới ánh nắng trực tiếp.
Các phân tích viên của blog công nghệ GSMArena vừa tiến hành kiểm nghiệm về vấn đề tăng nhiệt của iPad thế hệ mới nhất. Kiểm nghiệm được tiến hành để trả lời cho 2 câu hỏi:
1. iPad mới nóng ở mức độ nào trong điều kiện sử dụng bình thường.
2. Điều gì gây nên vấn đề về nhiệt với iPad mới.
Biểu đồ so sánh sự tăng nhiệt của iPad2 và iPad mới khi hoạt động.
Quy trình kiểm nghiệm được tiến hành như sau.
iPad mới và iPad 2 được đặt trong cùng một điều kiện hoạt động để kiểm nghiệm mức độ phản ứng của 2 thiết bị này trong các thử thách khác nhau.
Thử thách thứ nhất.
Nhiệt độ môi trường ở mức 22°C (72°F).
Hai máy tính bảng bắt đầu được bật màn hình và để tự chạy ở chế độ "idle".
Nhiều người cho rằng, việc tăng độ phân giải là một trong những nguyên nhân chính gây ra việc tăng nền nhiệt cho máy khi khi hoạt động. Thực tế là, trong khoảng 55 phút khi bắt đầu kiểm tra, iPad mới đã tăng nhiệt lên tới 34,6°C (94,3°F), trong khi iPad 2 chỉ có nền nhiệt khoảng 29,7°C (85,5°F).
Ở thử thách đầu tiên, 2 máy tính bảng dừng tăng nhiệt ở ngưỡng này. Khoảng cách về nhiệt ở mức dưới 5°C không phải là một vấn đề quá lớn, nhưng người dùng chắc chắn sẽ nhận ra sự khác biệt khi cầm đồng thời cả 2 thiết bị trên tay.
Thử thách thứ 2.
Phân tích viên tiến hành thử CPU của máy. iPad 2 dùng chip A5 trong khi iPad mới được trang bị chip A5X với bộ xử lý lõi kép Cortex A9.
Kiểm nghiệm được thực hiện với phần mềm SunSpider JavaScript để "đo sức" CPU và rất nhanh chóng, iPad mới đã tăng thêm 1,7°C và nhiệt độ đo được ở mức 35,9°C (96,7°F). Trong khi đó, iPad 2 chỉ tăng lên thêm 0,6°C và có mức nhiệt là 30,3°C (86,5°F). Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận rằng CPU là nguyên nhân sản sinh ra nhiệt độ cho thiết bị.
Nghi vấn lớn đầu tiên đã xuất hiện. Hệ thống GPU lõi tứ thường bị coi là nguyên nhân của vấn đề này và thử nghiệm đã khẳng định điều đó khi nó "đóng góp" khá nhiều cho việc tăng nhiệt.
Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ sau, nhiệt độ của thiết bị dừng lại ở mức ổn định. Lúc này nhiệt độ của iPad 2 là 31,7°C, còn iPad 2012 đã tới 38,3°C. Với mức nhiệt này, iPad bắt đầu gây cảm giác nóng khi cầm trên tay, tuy nhiên, vẫn chưa đến mức phải phàn nàn nhiều.
Thử thách thứ 3.
Phân tích viên đặt iPad ở thử thách cao hơn khi bắt đầu mở ứng dụng game Infinity Blade II.
Sau một giờ hoạt động, iPad mới liên tục tăng nhiệt lên mức 44,4°C (111,9°F) và bắt đầu cho cảm giác nóng ran khi chạm vào phần cạnh phía dưới tại vị trí của chipset.
Ở hai góc phía khác của thiết bị nhiệt độ đo được là 38,4°C (101,1°F) và 37,4°C (99,3°F).
iPad 2 không thực hiện thử thách này vì máy không được trang bị cấu hình đồ họa phù hợp với độ phân giải của màn hình Retina.
Kết luận.
Thực tế kiểm nghiệm cho thấy, iPad mới rõ ràng là có vấn đề về nhiệt và cho cảm giác nóng hơn khi cầm trên tay. Nhiệt độ cao nhất của thiết bị này, theo phương pháp đo của GSMArena, cao hơn đến 12,7°C (26,1°F) so mức cao nhất của iPad 2. Độ nóng này có thể sẽ trở thành vấn đề rất lớn khi sử dụng ở môi trường có nền nhiệt cao, hay dưới ánh nắng trực tiếp (nhiệt độ tiêu chuẩn trong kiểm nghiệm là 22°C).