Đại diện của Samsung cho biết, hệ điều hành mã nguồn mở Tizen của hãng có thể sẽ được trình làng trong TV đầu tiên sớm nhất vào năm sau.
Hãng điện tử Hàn Quốc này đang nghiên cứu phát triển Tizen, một hệ điều hành mã nguồn mở, nhằm thay thế nền tảng Android. Tizen sẽ là một công cụ giúp Samsung tự lực phát triển hơn trong tương lai, thay vì phải phụ thuộc vào Google và nhiều phần mềm “nội địa” như hiện nay.
Đối với sản phẩm TV, Samsung đã phát triển phần mềm riêng cho thiết bị này. Nhưng Samsung kỳ vọng Tizen sẽ trở thành một nền tảng phổ biến mang đến nhiều tính năng hơn và giúp kết nối các thiết bị của Samsung lại với nhau.
Những mẫu TV mới nhất của Samsung được trình diễn tại IFA 2013. (Ảnh. Cnet).
Đồng Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh điện tử tiêu dùng của Samsung, Boo-Keun Yoon cho biết, Tizen sẽ được sử dụng trong các thiết bị như smartphone, smart TV và thiết bị điện tử gia dụng của Samsung.
Theo Cnet, một phát ngôn viên của Samsung cho biết hãng đang cân nhắc sẽ ra mắt dòng TV chạy hệ điều hành Tizen OS nhưng từ chối tiết lộ thông tin chi tiết cũng như ngày bán ra sản phẩm.
Tizen là hệ điều hành được Samsung phát triển cùng với Intel dựa trên Linux và được hợp nhất với nền tảng Bada cũ của hãng. Mới đây, giới công nghệ tỏ ra không tin tưởng và dự đoán rằng nền tảng mới của Samsung thậm chí sẽ có nguy cơ bị đổ bể và không xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, cả Samsung và Intel ngay sau đó đã lên tiếng phủ nhận tin đồn này. Intel cho biết họ vẫn đang rất coi trọng việc phát triển Tizen.
Thậm chí, hãng sản xuất vi xử lý lớn nhất thế giới còn đánh giá cao nền tảng này về sự mới mẻ, mở và linh hoạt. Trong khi đó, hãng sản xuất Hàn Quốc cũng đã lên tiếng dẹp bỏ tin đồn khi cho biết họ vẫn đang phát triển một hệ sinh thái Tizen và làm việc cùng với các tổ chức, đối tác của hãng.
Mới đây nhất, JK Shin – đồng Giám đốc điều hành bộ phận di động của Samsung – tin rằng Tizen sẽ thay thế Android. Ông Shin cũng khẳng định Samsung muốn Tizen sẽ có mặt trong mọi sản phẩm, không chỉ ở lĩnh vực CNTT như các thiết bị smartphone, tablet, PC, camera, mà còn trong các ngành công nghiệp khác như xe ôtô, sinh học hoặc ngân hàng.