Robin Li - người đánh bại Google

Mới ra đời năm 1999, nhưng Baidu đã trở thành công cụ tìm kiếm số một Trung Quốc, vượt qua Google và Yahoo tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Công ty này đứng thứ tư toàn cầu về số lượt truy cập. Vậy thành công đã đến với Robin Li, người sáng lập ra nó, như thế nào?

Phân loại thông tin

Robin Li sinh năm 1968 ở một thành phố nghèo cách Bắc Kinh hơn 300 km về phía tây nam. Tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh năm 1991, anh được SUNY Buffalo trao học bổng tiến sĩ ở Mỹ. Thấy học vấn chưa phải là vấn đề quan trọng nhất, Li quyết định chỉ học hết bằng thạc sĩ năm 1994 và đầu quân cho chi nhánh của Dow Jones & Company ở New Jersey. Anh làm việc trong nhóm phát triển chương trình phần mềm cho tờ Wall Street Journal. Trong thời gian này, anh dành nhiều thời gian giải quyết vấn đề cơ bản nhất của Internet: phân loại thông tin.

Năm 1996, kỹ sư trẻ này đạt được bước đột phá khi phát triển thành công cơ chế tìm kiếm “phân tích kết nối”, đánh giá mức độ phổ biến của trong web dựa trên số trang web kết nối tới đó. “Tôi rất vui”, Li nhớ lại. “Tôi nói với sếp nhưng ông không quan tâm”.

Sau phần trình bày của Li tại một hội thảo ở Thung lũng Silicon về phần mềm này, Trưởng nhóm công nghệ Infoseek William I. Chang quyết định tuyển anh vào vị trí giám sát phát triển công cụ tìm kiếm Infoseek. “Có lẽ Robin là người thông minh nhất mà tôi từng biết”, Chang nhận xét. “Những phần mềm tìm kiếm của anh xếp hạng vàng”. Tuy nhiên, sau đó, Infoseek tập trung vào nội dung thay vì tìm kiếm.

Chán nản, Li quyết định thành lập công ty Baidu với người bạn Eric Xu ở Bắc Kinh. Họ được 2 quỹ đầu tư tài chính Integrity Partners và Peninsula Capital đầu tư 1,2 triệu USD. 9 tháng sau, Draper Fisher Jurvetson và IDG Technology Venture đổ thêm 10 triệu USD nữa.

Baidu bắt đầu cung cấp dịch vụ tìm kiếm cho các cổng thông tin Trung Quốc rồi sau đó mới phát triển công cụ tìm kiếm riêng. “Chúng tôi hoài nghi khả năng kinh doanh từ tìm kiếm”, Scott Walchek, thuộc Integrity Partners và thành viên ban quản trị Baidu, nhớ lại. “Nhưng chúng tôi không thông minh bằng Robin. Robin nói anh ấy có cơ hội có một không hai xây dựng thương hiệu tìm kiếm. Và anh ấy đã đúng”. Thực ra, Li đã thấy tiềm năng kiếm tiền sau thành công của công ty Overture ở Pasadena, California khi bán chỗ quảng cáo lúc kết quả tìm kiếm hiển thị.

Khám phá sở thích của giới trẻ = thành công

Cha đẻ của Baidu (giữa) (Nguồn: Chinadaily)

Tháng 9-2001, trang web của Baidu bắt đầu hoạt động. Baidu kiếm tiền bằng cách bán chỗ quảng cáo và khách hàng trả tiền theo số lần click chuột của người sử dụng. Số lượt truy cập tăng mạnh và doanh nghiệp bắt đầu có lãi từ năm 2004. Trang web của Baidu thu hút hàng triệu người vào tải nhạc, lập blog và tìm ảnh người đẹp... Lý giải điều này, giới phân tích cho rằng đối tượng khách hàng của Baidu hoàn toàn khác với phương tây vì người Trung Quốc thích giải trí hơn tin tức, đọc sách hay thuê xe nhiều. “70% số người sử dụng Internet ở Trung Quốc chưa đến 30”, Richard Ji, nhà phân tích của Morgan Stanley, nhận định. “Hầu hết chưa có gia đình và muốn giải trí”.

Theo các nhà phân tích, tại thị trường Trung Quốc, cho đến nay chưa công ty nào phát triển nhanh như Baidu. Hiện nay hãng chiến 62% về thị phần tìm kiếm, nhiều hơn gấp đôi so với Google.

Tuy nhiên, Baidu đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Cổ phiếu của hãng quá cao so với giá trị thực và ban quản lý phải tìm mọi cách để có tăng trưởng. Trong khi nhà đầu tư Google chi 60 USD để lấy 1 USD lợi nhuận chứng khoán, thì nhà đầu tư Baidu phải trả đến 190 USD cho 1 USD lợi nhuận.

Baidu còn bị kiện vi phạm luật bản quyền âm nhạc vì cấp đường link tới trang web nhạc. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục làm như vậy và cho rằng không có chuyện họ phải chịu trách nhiệm chỉ vì giới thiệu địa chỉ site khác.

Trong khi đó, một bệnh viện tại Bắc Kinh khẳng định nhân viên Baidu cố tình click vào quảng cáo của bệnh viện để khách hàng phải trả nhiều phí hơn. Đại diện nhà cung cấp dịch vụ khẳng định sẽ theo dõi có gian lận không.

Google thì tuyên bố chi hàng trăm triệu USD để cạnh tranh với Baidu tại thị trường đông dân nhất thế giới. Yahoo sáp nhập với Alibaba.com của Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nhân Đại lục không ngại đối thủ từ Mỹ. Năm 2003, eBay mua lại công ty đấu giá lớn nhất nước này rồi để mất thị phần. Năm 2004, tình trạng tương tự xảy ra với Amazon sau khi mua trang web mua sắm lớn nhất Trung Quốc. Giới phân tích nhận định mọi chuyện không dễ dàng với Google. “Các doanh nghiệp Internet Mỹ chiếm ưu thế ở Mỹ và châu Âu”, Brueschke nói. “Nhưng họ đến Trung Quốc rồi thất bại. Liệu Google có tạo ra điều gì khác biệt không?”. Về phần mình, Robin Li vẫn không hề lo lắng. “Số lượt truy cập trang web của chúng tôi vẫn tăng”, anh nói đầy tự tin. “Chúng tôi giờ là website số 1 ở Trung Quốc”.

Khánh Linh

Thứ Sáu, 25/05/2007 09:27
31 👨 213
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp