Hãng chế tạo điện thoại BlackBerry, Research in Motion (RIM) đang trông cậy vào Indonesia và các thị trường đông dân khác để phát triển ở châu Á, trong bối cảnh phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt trên thế giới từ các đối thủ như iPhone.
Phát biểu tại hội chợ viễn thông CommunicAsia kết thúc ngày 24/6 ở Singapore, giám đốc khu vực Gregory Wade của RIM nói: “Chúng tôi đang có một vị trí tốt. Khi nghĩ đến các thị trường châu Á, tôi lại nở một nụ cười tươi.”
Theo ông Wade, BlackBerry hiện đứng đầu thị trường smartphone ở Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Hãng nghiên cứu công nghệ IDC ước tính RIM đã bán 1,5 triệu điện thoại BlackBerry ở châu Á trong quý đầu năm nay và kể từ năm 2004 đã tiêu thụ ít nhất 8,5 triệu chiếc tại khu vực này.
Châu Á chiếm 11% các lô hàng xuất xưởng toàn cầu của RIM trong quý I năm 2011, so với 8% của cả năm ngoái. Ông Wade cho rằng khi ngày càng nhiều khách hàng tìm kiếm những sản phẩm mới thay thế điện thoại cũ, thì sẽ có không gian rộng lớn để phát triển hơn nữa trong phân khúc smartphone ở châu Á.
Ba nước Indonesia, Philippines và Thái Lan có tổng dân số lên đến 400 triệu và người Indonesia đặc biệt ưa thích tính năng gửi tin nhắn nhanh của BlackBerry vì họ không phải trả phí nhắn tin.
Nhà phân tích Byan Ma của IDC nói: “Nếu bạn nhìn vào những nước mà Wade nhắc đến, thì đó là những câu chuyện thành công đối với RIM bất chấp thất bại của họ trên thế giới. Ở Indonesia, ai cũng muốn có một chiếc BlackBerry.”
RIM từng có triển vọng thành công trong thị trường smartphone lợi nhuận cao khi họ giới thiệu chiếc BlackBerry đầu tiên vào năm 1999, tích hợp email trong điện thoại một cách an toàn và đáng tin cậy. Thiết bị này đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt, đặc biệt với những người dùng doanh nhân.
Tuy nhiên, hiện nay, theo hãng nghiên cứu công nghệ Gartner, RIM chỉ đứng thứ 4 trong thị trường smartphone trong quý I năm 2011 với 12,9% thị phần trong lĩnh vực hệ điều hành, sau Android của Google, Symbian của Nokia và iOS của Apple.