Cách đây hai tháng, loạt báo cáo rộ lên về việc Qualcomm được cho là đang tìm cách mua lại một phần bộ phận thiết kế chip của Intel, nhằm tạo bàn đạp thâm nhập thị trường bộ xử lý PC hiệu quả hơn và củng cố vị thế của mình trên thị trường bán dẫn, đặc biệt là trong thời điểm chính đối thủ đang rơi vào giai đoạn khó khăn về dòng tiền.
Có thể mô tả tình hình tài chính của Intel ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn hỗn loạn. Nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới vẫn đang loay hoay tìm kiếm các giải pháp huy động dòng tiền để thoát khỏi tình trạng khó khăn này, và một trong những phương án hiệu quả được tính đến là bán đi một phần các tài sản hiện có, cho dù đó là các bộ phận phát triển, nghiên cứu sản phẩm hay thậm chí là cơ sở sản xuất. Toàn bộ bức tranh đen tối này được châm ngòi bởi hàng loạt vấn đề mất ổn định gặp phải trên hai dòng CPU thế hệ thứ 14 và thế hệ thứ 13 của Intel. Công ty đang phải trải qua "giai đoạn tài chính tồi tệ nhất" trong 56 năm lịch sử phát triển, và việc thoát khỏi tình trạng này sẽ cần rất nhiều nỗ lực, thậm chí cả mất mát.
Năm 2023, công ty báo cáo doanh thu giảm 14% so với năm 2022. Intel cũng sở hữu các đơn vị chế tạo (nơi sản xuất chất bán dẫn) nhưng đã phải vật lộn với các vấn đề sản xuất, với khoản lỗ hơn 7 tỷ đô la vào năm 2023 và ngày càng bắt đầu dựa vào việc gia công sản xuất cho các công ty như Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC). Là một phần của kế hoạch chiến lược mới, Intel đang cân nhắc bán các đơn vị kinh doanh không cốt lõi và cắt giảm chi tiêu vốn để cải thiện dòng tiền.
Thỏa thuận giữa hai công ty đã bị hoãn lại trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hiện tại khi cuộc bầu cử đã ngã ngũ, có vẻ như sự quan tâm của Qualcomm trong việc tiếp quản Intel đã nguội lạnh.
Theo tiết lộ từ Bloomberg, có lẽ rào cản đáng kể nhất đối với Qualcomm trong thương vụ tưởng chừng như rất tiềm năng này là sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, vốn rất khắt khe trước các thỏa thuận sang nhượng giữa những công ty lớn.
Với quy mô và tác động của một thỏa thuận như vậy đối với thị trường, các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và những quốc gia có liên quan chắc chắn sẽ theo dõi rất chặt chẽ nhằm phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm luật chống độc quyền tiềm ẩn nào.
Ngoài ra, trước đây, AMD và Intel cũng đã từng có một thỏa thuận cấp phép chéo qua lại cho phép cả hai công ty sử dụng các công nghệ được cấp bằng sáng chế của nhau. AMD cấp phép kiến trúc x86 từ Intel, trong khi Intel cấp phép các phần mở rộng x86-64 (AMD64) từ AMD. Tuy nhiên, thỏa thuận sẽ tự động chấm dứt nếu một trong hai công ty trải qua sự thay đổi quyền kiểm soát, chẳng hạn như bị mua lại, điều này làm tăng thêm sự phức tạp trong tương vụ Qualcomm mua lại Intel.
Intel đang thực sự khó khăn, và không loại trừ khả năng thị trường có thể sẽ chứng kiến một số quyết định gây sốc được công ty đưa ra trong thời gian tới. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, Intel vẫn có vốn hóa thị trường đáng kể khoảng 96 tỷ đô la, điều này cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu Qualcomm có thực sự đủ khả năng mua Intel ngay từ đầu hay không. Mức giá trị cao như vậy chắc chắn sẽ gây áp lực tài chính đáng kể cho Qualcomm, và công ty có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức đang diễn ra của “Team Blue”.