Bộ loa nào khi vào tay anh đều mang lại thế giới âm thanh khác lạ, không chỉ thể hiện đúng tinh thần bản nhạc mà còn nói lên nội tâm của người chơi.
"Quạ già" tinh tế từ việc chọn đĩa, đầu CD, ampli, loa đến dây loa. Ảnh: T.H. |
"Quạ già", biệt hiệu của anh Cấn Hồng Hà, một người trong ngành dịch vụ tàu biển ở Hải Phòng, đã trở nên thân thuộc với những người chơi loa ở nhiều miền đất nước. Năm 1988, anh được đi học ở Nga và bắt đầu đến với các thiết bị âm thanh tên tuổi, tới năm 1995 anh mới chơi một cách thực sự. Trải qua hàng trăm dòng loa khác nhau của Nhật, Mỹ, Anh, Bỉ…, anh không đặt thương hiệu và giá trị loa lên hàng đầu mà cảm nhận cái hay của từng loại loa rồi phối ghép theo phong cách riêng, làm nên một thứ âm thanh mà bạn bè trìu mến gọi là "rất Quạ".
Anh Hà cho biết hãng nào cũng có những dòng loa tốt. Có khi anh giữ lại đôi loa nhiều năm trời rồi đợi đến khi tìm được thiết bị để ghép và tạo thành một bộ dàn ưng ý. Cũng một đôi loa, "Quạ già" có thể phối ghép để phù hợp với gu thưởng thức nhạc của nhiều người khác nhau, như nhạc Trịnh, nhạc pop, vocal, giao hưởng… Người nghe sẽ giật mình khi biết bộ dàn ở phòng khách của anh chỉ khoảng 10 triệu đồng, trong đó loa chỉ chiếm một phần ba số tiền, còn đầu đĩa chỉ một triệu đồng.
"Nhiều lúc bà xã thấy tôi cứ hí hoáy cắm rút mà chưa ưng ý đã gợi ý mua hẳn bộ dàn hoàn hảo, đắt mấy cũng được, nhưng tôi bảo không", anh Hà kể vui. "Bởi đến lúc đó, tôi cảm thấy không còn đam mê để tìm kiếm nữa và anh em bạn bè sẽ ít giao lưu với nhau để chia sẻ thú vui phối ghép".
Sợi dây loa đắt nhất trong nhà anh Hà khoảng 1.800 USD. Có khi anh mua một bộ loa chỉ để lấy dây ghép cho bộ loa khác. Ảnh: T.H. |
"Quạ già" cho biết việc phối ghép loa trước hết đòi hỏi người chơi phải nghe cho mình, lắng nghe âm nhạc chứ không phải âm thanh. Từ đó họ mới biết được tiếng một bộ loa phát ra đã phải là điều nội tâm họ cần hay chưa rồi mới dùng đến kỹ thuật. Anh không hề can thiệp vào bên trong loa để chỉnh sửa mà dùng các loại dây loa, dây tín hiệu, dây nguồn khác nhau, chọn ghép các thiết bị ampli, đầu đĩa… với loa để tạo nên thế giới âm thanh hợp lý nhất với chất nhạc, với gu của người chơi.
"Chơi đồ âm thanh cần có hai bản lĩnh. Một là mua đồ - đắt mấy cũng mua, thích là phải mua. Điều này nhiều người làm được dù bị gia đình ngăn cản", anh nói. "Nhưng bản lĩnh nữa cần phải có là giữ đồ. Không nên đẩy đi khi thấy chưa ưng hay bị bạn bè chê bởi món đồ đó có thể chưa được ghép đúng trong một tổng thể".
Theo anh, chọn dây là một kỹ thuật tinh tế trong phối ghép loa. Dây là vật truyền dẫn tín hiệu từ đầu đĩa ra ampli, rồi từ ampli ra loa. Nếu tín hiệu ở phần nguồn được lưu giữ gần như trọn vẹn khi ra tới loa thì bản nhạc mới thể hiện được hết. Có bộ loa phát tiếng rất gắt và đanh, anh đã dùng dây điện từ đôi loa đời cổ những năm 1980 của Bang & Olfusen để cắt bớt dải trên, khiến âm thanh trở nên mềm mại hơn. Người chơi sẽ thấy khi thay xong dây loa, họ cảm giác như thay cả thiết bị mới chứ không nghĩ là nhờ phụ kiện.
Trong phối ghép loa, thông thường người ta đẩy điểm mạnh lên và dìm điểm yếu xuống, nhưng có những lúc anh đã đẩy cả điểm mạnh, cả điểm yếu của bộ loa lên đến tận cùng. Ví dụ, với bộ ưng ý nhất, anh đã đẩy điểm yếu là âm thanh rất mỏng lên, khiến tiếng nhạc phát ra trở nên kiêu hãnh lạ kỳ. "Quạ già" ví von, ghép loa cũng giống như điều khiển một đội bóng - một đội hình toàn "sao" mà không có sự dẫn dắt tinh tế của huấn luyện viên thì cũng khó thành công.
Đôi Allison Acoustics hiếm này có thiết kế đặc biệt với 2 mặt loa xếp chéo, khiến âm thanh đi ra 2 hướng khác nhau, va đập vào tường rồi đến tai người nghe, tạo cảm giác âm thanh tràn ngập trong phòng. Ảnh: T.H. |
Thông thường, "phù thuỷ âm thanh" này sẽ mất khoảng một tuần để chọn đồ phối ghép, nghe thử, cân chỉnh… Mỗi bộ dàn phối ghép sẽ chỉ dành riêng để nghe một số bản nhạc, loại nhạc nhất định và khiến anh phải rất kỹ tính để chọn được đồ phù hợp. Ví dụ, với bộ loa Allison Acoustics kinh điển mà anh có duyên đặt được hàng, anh đã phải đặt tiếp hai chuyến hàng nữa để mang dây của Bang & Olfusen về ghép. Dường như ai đã nghe bộ dàn này thì trở nên "nghiện", không muốn nghe loa nào khác, giống như người trót ăn mặn thì thấy các món khác đều nhạt nhẽo. Những thiết kế tinh tế khiến loa thể hiện rất thật và có hồn những bản nhạc sâu lắng, thánh thiện. Kết hợp dòng loa này với cách phối ghép của "Quạ", người ta như được sống với tâm sự của ca sĩ, nhạc sĩ khi nghe Trịnh Vĩnh Trinh hát nhạc Trịnh Công Sơn hay những lời da diết "I'm a fool to want you". Thật khó có thể tưởng tượng trị giá bộ dàn chỉ khoảng 30 triệu đồng - một con số bình thường so với các bộ hàng chục, hàng trăm nghìn USD của dân chơi loa.
"Âm thanh như tiếng nói của lòng người vậy", anh bộc bạch. "Những bạn bè tinh ý sẽ biết nội tâm của tôi năm nay với những năm trước khác nhau như thế nào thông qua cách phối loa cho riêng mình. Điều hạnh phúc nhất là khi tôi nhận ra cái hồn của bản nhạc được ca sĩ thể hiện chân thực và được truyền tải chân thực qua tiếng loa, chạm đúng vào những gì mình muốn nói".