Vừa qua, vụ việc Samsung cố tình “boost” CPU lên xung nhịp cao hơn để gian lận điểm benchmark trên Galaxy Note 3 đã bị trang công nghệ Ars Technica lật tẩy.
Tuy nhiên, ngay sau đó Anandtech cho biết họ còn phát hiện ra nhiều nhà sản xuất khác cũng có hành vi tương tự, chỉ có điều là mức độ không lớn như Samsung. Cụ thể, cả Asus, HTC và LG đều có những tinh chỉnh để đạt được số điểm benchmark lớn hơn trong một số công cụ test benchmark cơ bản.
Theo đó, Motorola là hãng sản xuất bên thứ 3 duy nhất không boost để tăng benchmark, có lẽ do hãng vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của Google.
Tương tự như vậy, các thiết bị Nexus cũng không được boost điểm ở bất cứ một bài đánh giá hiệu năng nào, đó cũng là lý do mà các thiết bị như Nexus 4 chẳng hạn luôn nhận số điểm benchmark thấp hơn các máy khác cùng cấu hình. Thiết bị chơi game Nvidia Shield chạy Tegra 4 cũng hoàn toàn trong sạch vì chip Tegra 4 hiện không được sử dụng rộng rãi, sự so sánh trở nên không còn quan trọng.
Trong khi đó, ASUS Padfone Infinity và LG G2 được phát hiện gian lận trong 2 bài test AnTuTu và Vellamo. Bộ đôi HTC One và HTC One mini tối ưu trong 4 bài benchmark 3DM, AnTuTu, GFXB 2.7 và Vellamo. Samsung là người sử dụng boost CPU nhiều nhất, trên hầu hết các công cụ benchmark, thậm chí boost cả GPU.
Đại gia Hàn Quốc đã tiến hành các thủ thuật này từ thời phát hành máy tính bảng Galaxy Tab 3 10.1, sau đó tới gần đây, Galaxy Note 3 và tablet Galaxy Note 10.1 2014 hầu như còn ngang nhiên được boost trên tất cả các bài test phổ biến. Đó là lý do mà các thiết bị của Samsung luôn nhận được số điểm benchmark cao hơn các máy có cùng cấu hình. Tất nhiên, danh sách kể trên vẫn còn khá sơ sài và nhiều khả năng sẽ còn vô số các thiết bị thực hiện phương pháp này.
Cuối cùng để tổng kết lại, Anandtech kết luận rằng hiệu năng tăng thêm khi boost benchmark CPU rơi vào khoảng dưới 5% cho hầu hết các phép thử. Tương tự như vậy với GPU là dưới 10%. Đa phần các nhà sản xuất này sẽ chọn những công cụ benchmark thông dụng được nhiều người sử dụng để tiến hành tối ưu, tăng xung CPU và/hoặc GPU nhằm đạt số điểm cao. Khi chúng ta đổi tên phần mềm benchmark hoặc dùng các công cụ mới hơn mà các hãng điện thoại chưa cập nhật, điểm số sẽ nhanh chóng trở lại mặt đất.
Kỹ thuật tối ưu nhằm đạt số điểm cao khi benchmark không phải là một “chiêu” mới khi nó đã xuất hiện rất nhiều trên PC. Tuy nhiên, đây bị xem là một thủ thuật đánh lừa người tiêu dùng và làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định mua hàng của họ.
Hiện các hãng phần mềm chuyên sản xuất công cụ benchmark cho biết họ sẽ cố gắng cập nhật các phiên bản mới liên tục và tìm ra phương pháp khắc phục tình trạng này nhằm đảm bảo tính công bằng và lợi ích người dùng.