Xem smartphone phát nổ khi bị tấn công qua sạc nhanh nhờ lỗ hổng BadPower

Bên cạnh sự ganh đua về số “chấm” camera, tần số quét của màn hình hay số lượng RAM, tốc độ sạc nhanh cũng đang là “chiến trường” cạnh tranh của nhiều thương hiệu lớn trong thế giới smartphone hiện nay.

Công nghệ sạc nhanh đã trở thành trang bị bắt buộc phải có trên các mẫu smartphone cao cấp, đồng thời đang được phổ cập nhanh chóng xuống phân khúc tầm trung và giá rẻ. Có lẽ không cần nói nhiều về những lợi ích rõ ràng mà sạc nhanh mang lại. Tuy nhiên công nghệ này cũng ẩn chứa một số rủi ro lớn, thậm chí còn có thể được sử dụng cho mục đích độc hại.

Theo báo cáo mới được đưa ra bởi Phòng thí nghiệm Xuanwu của Tencent, các chuyên gia Trung Quốc đã tìm thấy một lỗ hổng có tên BadPower có thể can thiệp và sửa đổi firmware của một số bộ sạc nhanh phổ biến hiện nay, khiến bộ sạc gặp trục trặc và thậm chí có thể khiến điện thoại hư hại.

Cụ thể, BadPower có thể làm gián đoạn quá trình sạc, làm hỏng firmware của chip sạc, và khiến công suất sạc sai lệch với thiết kế ban đầu. Bằng cách làm quá tải một thiết bị có điện áp cao hơn mức có thể xử lý, các nhà nghiên cứu nhận thấy lỗ hổng này hoàn toàn có thể khiến smartphone bốc cháy nếu bộ sạc được dùng liên tục trong thời gian dài, chẳng hạn qua đêm.

Ở thử các nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một thiết bị đặc biệt được cải trang thành điện thoại di động để sử dụng với bộ sạc nhanh đã bị phá hỏng phần mềm điều khiển bằng BadPower (các nhà nghiên cứu tin rằng điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị bị lây nhiễm phần mềm độc hại này đều có thể được sử dụng theo cách tương tự).

Kết quả cho thấy BadPower dường như không có đặc tính xâm lấn như phần mềm gián điệp hoặc ransomware ăn cắp dữ liệu, nhưng nó có thể khiến một thiết bị lây nhiễm hoặc một bộ sạc nhanh bị ảnh hưởng không thể sử dụng được như bình thường, hoặc thậm chí chập, cháy trong một số tình huống.

Thiết bị bốc cháy trong thử nghiệm
Thiết bị bốc cháy trong thử nghiệm

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có ít nhất 18 trong số 35 bộ sạc nhanh mà họ thử nghiệm có thể dễ bị ảnh hưởng bởi BadPower. Trong số 18 bộ sạc này, có tới 11 model có thể bị hỏng khi sử dụng với các “thiết bị đầu cuối kỹ thuật số” hoặc điện thoại thông minh cũng như các thiết bị hỗ trợ sạc nhanh khác.

Để giảm thiểu rủi ro, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các nhà sản xuất sử dụng thêm cầu chì bổ sung cho các thiết bị hỗ trợ sạc nhanh điện áp thấp hơn. Đối với người dùng, không nên cho mượn bộ sạc điện thoại hoặc pin dự phòng thường xuyên.

Thứ Tư, 29/07/2020 21:15
55 👨 56.729
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ