Malaysia là một trong năm nước đang được Hãng Panasonic của Nhật Bản chú trọng đầu tư nhằm xúc tiến việc mở rộng kinh doanh máy tính di động Toughbook của hãng ở châu Á.
Giám đốc bán hàng ở nước ngoài của Đơn vị kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin (IT) Hide Harada cho biết Panasonic có kế hoạch đầu tư thêm vào khâu tiếp thị các sản phẩm IT của họ tại Malaysia, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam và Thái Lan.
Panasonic cũng sẽ tập trung vào Indonesia và Philippines, coi đó như các thị trường đang phát triển mới.
Malaysia được chú trọng đặc biệt do Panasonic đã đầu tư nhiều vào các cơ sở sản xuất tại nước này. Hãng cũng đang lấy ý kiến thăm dò một số bệnh viện đang sử dụng Toughbook để rút kinh nghiệm cải tiến loại sản phẩm này bởi chăm sóc sức khỏe hiện là một trong những khu vực tăng trưởng cao tiềm tàng.
Panasonic mới đây đã tổ chức họp báo tại Kuala Lumpur để thông báo về những tính năng mới nhất trong công nghệ Toughbook, đồng thời hãng cũng có kế hoạch gặp gỡ trực tiếp khách hàng sử dụng để lấy ý kiến phản hồi nhằm cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại Malaysia, hãng chế tạo ôtô quốc gia Proton và Công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe KPJ là các khách hàng lớn sử dụng máy tính di động Toughbook, loại máy có khả năng hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt và có thể chịu được va đập mạnh.
Toàn bộ các máy tính Toughbook đều được chế tạo tại nhà máy của Panasonic ở Kobe, Nhật Bản, chỉ có duy nhất mẫu CF-S2 được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Đài Loan.
Dẫn đầu thị trường máy tính di động trên toàn thế giới với 63% thị phần trong năm 2009, Panasonic đang đặt châu Á là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh, với mức tăng trưởng hàng năm đạt trên 20% trong năm năm qua.
Panasonic có thể thiết kế, sản xuất và làm dịch vụ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tuyệt hảo của hãng. Mỗi năm hãng đã dành ra 6,4% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển, mức cao nhất trong các nhà sản xuất của Nhật Bản.