Panasonic cho biết LX5 có khả năng tái tạo màu sắc cao hơn tới 38% và độ nhạy sáng cao hơn 31% so với tiền nhiệm, Lumix LX3.
Panasonic Lumix LX5 là phiên bản kế tục của LX3 ra mắt cách đây khoảng 2 năm. (Ảnh: Photoxels)
Panasonic LX5 là phiên bản máy ảnh du lịch cao cấp tiếp nối thành công vang dội của tiền nhiệm LX3 trong suốt hai năm trở lại đây. Máy vẫn được trang bị ống kính Leica Vario-Summicron với độ mở lý tưởng f/2.0 nhưng dải zoom đã được nâng lên 3,8x tương đương tiêu cự từ 24mm tới 90mm. Đặc biệt, LX5 còn sở hữu cảm quang CCD thế hệ mới có kích thước lớn (1/1,6 inch) trong khi vẫn giữ nguyên độ phân giải ở mức vừa phải (10,1 Megapixel). Theo Panasonic, LX5 có khả năng tái tạo màu sắc cao hơn tới 38% và độ nhạy sáng cao hơn 31% so với tiền nhiệm. Máy hỗ trợ dải ISO trong khoảng từ 100 tới 3.200, thêm chế độ High Sensitivity Mode cho phép nâng ISO lên mức 6400 tới 12.800.
Bài thử nghiệm sau so sánh khả năng khử nhiễu của Panasonic LX5 với hai đối thủ khá "nặng ký" đến từ Canon là PowerShot S95 và IXUS 300 HS. Tương tự như LX5, cả hai máy ảnh của Canon cũng sở hữu ống kính zoom quang 3,8x với độ mở lớn f/2.0. Dải tiêu cự mà S95 và 300 HS đạt được là 28 tới 105mm, hơi hẹp về góc nhưng lại có lợi về tele nếu so sánh với LX5. Người dùng có thể thoải mái chụp được những bức ảnh ổn định trong môi trường thiếu sáng nhờ cơ chế chống rung lai.
Về nguyên tắc, cơ chế này hoạt động bằng cách kết hợp hệ thống chống rung quang học trên ống kính với việc tăng ISO để giảm thiểu hiện tượng nhòe hình do rung lắc gây ra. Ở chế độ Low Light Mode, dải nhạy sáng có thể được nâng lên tới mức ISO 6400 đối với 300 HS hoặc ISO 12.800 đối với S95. Cả hai máy đều có độ phân giải vừa tầm 10 triệu điểm ảnh tương tự như sản phẩm đến từ Panasonic. Cảm quang trên S95 được chế tạo theo công nghệ CCD với kích thước xấp xỉ LX5 (1/1,7 inch). Ixus 300 HS lại sở hữu cảm quang BSI thế hệ mới nhưng kích thước nhỏ hơn tới 1,4 lần (tương đương 1/2,3 inch). Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng đến màu sắc, độ tương phản và đặc biệt là lượng nhiễu trên ảnh thu được của từng máy khi chụp trong điều kiện thiếu sáng.
Ảnh test được lưu dưới dạng JPEG, độ phân giải tối đa. Tiêu cự ống kính trên LX5, S95 và 300 HS được cố định ở mức 37mm quy đổi hệ máy phim. Chế độ chụp Program, không bật bất kỳ tính năng tối ưu hóa ảnh chụp nào để đảm bảo tính khách quan... Khu vực ảnh thử nghiệm được crop 100% từ file gốc.
Thiết lập ISO 80, 100 (125 đối với IXUS 300 HS) và 200. (Ảnh: Cameralabs)
Tại mức ISO dưới 200, ảnh cho bởi cả ba máy đều rất mịn và nét. Lưu ý, IXUS 300 HS không có thiết lập ISO 80. Cân bằng trắng trên hai sản phẩm của Canon có xu hướng ngả về xanh lam. Trong khi đó, màu sắc trên Panasonic LX5 lại thiên về gam xanh lục và cũng rực hơn so với S95 và 300 HS. Tại mức phóng đại 100%, người xem có cảm giác LX5 lấy nét hơi "out" một chút nên hầu như không tách bạch được các chi tiết nhỏ trên lá cây, cánh hoa... Ống kính của S95 cho độ nét tốt nhất trong cả ba model.
Thiết lập ISO 400 và 800. (Ảnh: Cameralabs)
Tại mức ISO 400 và 800, nhiễu bắt đầu có thể nhận ra tại các vùng ảnh tối trên cả ba model. Thuật toán khử nhiễu trên LX5 khiến ảnh trở nên khá mịn màng nhưng lại làm giảm độ nét và gây nên hiện tượng kết tủa gam xanh lục tại mép bàn phía sau chậu hoa. Mặc dù sở hữu công nghệ cảm quang BSI ưu việt nhưng do có kích thước khiêm tốn nên Ixus 300 HS không thể tái hiện được tốt các chi tiết tại ISO 800. Ảnh hơi xỉn và lấm tấm những hạt sạn nhỏ. Một số pixel bị vỡ làm ngừơi xem có cảm giác hơi tức mắt. Canon S95 cho ảnh không được trong như LX5 nhưng có lẽ là tốt nhất trong cả ba máy do cân bằng tốt giữa khử nhiễu và giữ lại các chi tiết.
Thiết lập ISO 1600. (Ảnh: Cameralabs)
Khi nâng ISO lên 1600, lượng nhiễu tăng đột biến trên cả ba máy. Ảnh cho bởi IXUS 300 HS trông như bị phủ một lớp sương mờ. Thuật toán khử nhiễu làm việc mạnh khiến ảnh trở nên hơi xỉn và mất nhiều chi tiết. Canon S95 và Panasonic LX5 khá hơn một chút do vẫn giữ lại được độ nét và dải tương phản động. Nhiễu của S95 ở dạng lấm tấm và phân bố đều trên ảnh. Ngược lại, ảnh của LX5 trông rất mịn nhưng thỉnh thoảng lại bị những chấm sạn lớn và xảy ra hiện tượng bết màu tương đối nặng. Khi chuyển về lưu dưới dạng RAW, S95 và LX5 khá tương đồng về mật độ nhiễu hạt cũng như số chi tiết nhỏ thể hiện được trên ảnh.
Chế độ chụp thiếu sáng. Thiết lập ISO 1600 đối với Panasonic LX5, ISO 800 đối với Canon S95 và ISO 1000 đối với Canon IXUS 300 HS. (Ảnh: Cameralabs)
Ba máy đều cung cấp mức nhạy sáng ISO 3200 và thậm chí cao hơn nữa. Tuy nhiên, chất lượng ảnh thu được hầu như không đáng chú ý do lượng nhiễu quá lớn và bị mất nhiều chi tiết. Tại chế độ riêng dành cho việc chụp ảnh thiếu sáng (High Sensitivity Mode đối với LX5 và Low Light Mode đối với S95/300 HS), độ phân giải của ảnh giảm xuống rõ rệt. Bù lại, ảnh trông đỡ nhiễu hơn hẳn và cũng dễ xem hơn dù rằng, một lượng lớn các chi tiết đã bị mất.