Palm đang tự rao bán mình: Ai sẽ mua?

Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, Palm đã tự rao bán công ty và rất có thể bản hợp đồng sẽ được hoàn tất ngay trong tuần này.

Hãng sản xuất di động danh tiếng một thời của nước Mỹ, Palm Inc. đang làm việc với các nhà kiểm toán và môi giới tài chính lớn như Goldman Sachs và Frank Quattrone Qatalyst Partners để tìm kiếm một lời đề nghị mua lại công ty này, 3 nhân vật thân cận với thương vụ đã tiết lộ với hãng tin Bloomberg.

Cũng theo nguồn tin của 3 nhân vật này, đã có 3 ứng cử viên sáng giá là hãng công nghệ HTC (Đài Loan), hãng sản xuất máy tính lớn nhất Trung Quốc Lenovo và hãng máy tính Mỹ, Dell bày tỏ ý muốn thâu tóm Palm nhằm gia tăng sức mạnh cho cuộc chơi trên thị trường di động của họ sắp tới.

Hồi tuần trước, sau khi có tin Lenovo sẽ mua lại Palm , giá cổ phiếu của hãng smartphone này đã tăng tới 32%. Tuy nhiên, ngay trong năm nay, giá cổ phiếu của hãng đã giảm tới 60% do thị trường thất vọng bởi doanh số bán ra kém cỏi của các mẫu Pre và Pixi.

Hiện, giá trị thị trường của Palm vào khoảng 870,8 triệu USD và việc mua lại Palm sẽ giúp cho các “chủ mới” có thể tiếp cận một cách rất nhanh thị trường di động Bắc Mỹ, nơi Apple và RIM đang “hốt bạc” bằng các dòng máy iPhone và RIM. Mua lại Palm còn được cho là biện pháp tốt nhất để cạnh tranh được với nền tảng Android của Google bởi Palm vẫn đang sở hưu rất nhiều bản quyền công nghệ trong lĩnh vực di động như phần cứng, phần mềm hay công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Lynn Fox, người phát ngôn của Palm đã từ chối đưa ra bình luận về thông tin mà Bloomberg đưa ra. Đại diện của Sally Palmer và Goldman Sach cũng chưa thấy có phản ứng gì trong khi Wong Wai Ming – Giám đốc tài chính của Lenovo và Chen Hui-Ming – giám đốc tài chính của HTC lại không khẳng định nhưng cũng không phủ nhận tin này.

Thông tin này đã giúp cho giá cổ phiếu của Palm tăng thêm 51 cent (11%) trên sàn Nasdaq.

Có một thông tin cho rằng cả Huawei và ZTE – 2 hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc cũng đã nhảy vào cuộc đua mua lại Palm với HTC và Lenovo.

Lu Chia-lin, một nhà phân tích thị trường công nghệ của tập đoàn Macquarie Group ở Đài Bắc (Đài Loan) cho rằng chính các công ty của Trung Quốc mới là những khách hàng tiềm năng nhất trong vụ mua lại Palm này bởi họ đang rất cần mở rộng thị trường quốc tế.

Ross Gan, người phát ngôn của Huawei cho biết, công ty này “luôn để ngỏ cơ hội” đối với Palm nhưng vẫn từ chối bình luận về thông tin cho rằng Huawei đang xúc tiến đàm phán để thâu tóm “người hùng smartphone” một thời của nước Mỹ.

Được thành lập từ năm 1992, cùng với việc ra mắt mẫu thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số (PDA) đầu tiên mang tên PalmPilot, Palm đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất thiết bị cầm tay hàng đầu và luôn tiên phong trong lĩnh vực này nhiều năm liền.

Tổng giám đốc của Palm hiện nay, ông Rubinstein đã gia nhập Palm sau khi là người lãnh đạo dự án phát triển và sản xuất mẫu máy nghe nhạc bỏ túi iPod rất thành công cho Apple. Người đưa Rubinstein về Palm chính là Fred Anderson, cựu giám đốc tài chính của Apple và là đồng sáng lập hãng đầu tư Elevation Partners cùng với Bono, nam danh ca của nhóm nhạc U2.

Palm Pre là sản phẩm đầu tiên hoạt động trên nền hệ điều hành WebOS do chính các kỹ sư của Palm phát triển. Pre chính thức được bán ra thị trường vào tháng 6/2009 và sau đó là mẫu máy nhỏ hơn, rẻ hơn có tên Palm Pixi vào tháng 11/2009. Dù sở hữu những công nghệ rất tiên tiến và đi trước các đối thủ khác như hỗ trợ đa tác vụ (multitasking) nhưng cả Pre và Pixi đều không thành công về mặt thương mại. Thậm chí trong quý vừa qua, doanh số bán ra của các sản phẩm này còn thấp hơn cả mức dự kiến “tối thiểu” của các nhà phân tích thị trường hay các lãnh đạo hãng.

Thứ Ba, 13/04/2010 09:06
51 👨 243
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp