Sau hai tháng im hơi lặng tiếng, cuối cùng Google cũng đã có những động thái phản pháo đầu tiên trước cáo buộc vi phạm bản quyền và yêu cầu ngừng phát triển, cung cấp nền tảng Android từ Oracle.
Tuy nhiên, phía Oracle vẫn chưa buông tha khi tiếp tục tung ra hàng loạt bằng chứng mới nhất rất đanh thép.
Cuộc chiến pháp lý giữa Oracle và Google đang bước vào giai đoạn
“kịch chiến” xoay quanh Java và Android, gốc rễ là lợi ích kinh tế.
Hồi tháng 8, trong đơn đệ trình lên tòa án, tập đoàn Oracle tuyên bố nền tảng mở cho thiết bị di động Google Android, sản phẩm được xem là thành công nhất của Google sau bộ máy tìm kiếm, đã vi phạm công nghệ Java thuộc sở hữu của hãng này.
Sau khi thâu tóm Sun Microsystems vào đầu năm 2010, Oracle trở thành hãng sản xuất tiên phong nắm giữ các công nghệ liên quan tới Java. Tuy nhiên, ở thời điểm nhận được cáo buộc, Google đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào, mặc dù với 200.000 chiếc điện thoại chạy nền tảng Android được bán mỗi ngày, thất bại trong vụ việc này có thể khiến Google thiệt hại nặng nề.
Sau khi chỉ trích cáo buộc của Oracle là vô căn cứ và bày tỏ thái độ thất vọng trước hành động của hãng phần mềm sở hữu Sun, Google gọi những gì Oracle đang làm là một cách “tấn công” vào cộng đồng Java mã mở và cả chính hãng tìm kiếm trực tuyến. Google cũng hứa hẹn sẽ “hết sức bảo vệ các chuẩn mã mở” và “tiếp tục nghiên cứu hợp tác với các nhà phát triển nền tảng Android”.
Android sẽ biến mất?
Theo những gì Google mới đệ trình lên tòa án hồi đầu tháng 10, hãng tìm kiếm trực tuyến khẳng định trước đây chính Oracle cũng là một thành viên trong cộng đồng mã mở nhiệt tình trong việc kêu gọi, ủng hộ việc mở mã Java, khi Java đang thuộc sở hữu của riêng Sun. Tuy nhiên, khi mua lại Sun, Oracle đã làm điều ngược lại.
Hồi tháng 2-2009, Oracle ủng hộ mong muốn của cộng đồng mã mở sẽ được toàn quyền sử dụng nền tảng Java theo chuẩn mở mà không cần phải có giấy phép bản quyền. Nhưng chỉ sau đó hai tháng, Oracle tuyên bố sẽ mua lại Sun và lập tức đổi tên thành Oracle America sau thương vụ thành công vào tháng 2-2010, hãng phần mềm này đã đi ngược lại với những tuyên bố trước đây.
Là một ủy viên điều hành Java Community Process, nhưng Oracle đã từ chối các yêu cầu mở mã hoàn toàn nền tảng Java của cộng đồng mã mở.
Về phía mình, Oracle đã đưa ra tuyên bố mới nhất từ người phát ngôn Deborah Hellinger, khẳng định khi phát triển Android, Google đã sử dụng các mã Java mà không có bản quyền.
Oracle cũng khẳng định Google đã sửa chữa công nghệ này khiến sản phẩm cuối cùng không còn tương thích với các nguyên tắc thiết kế trọng tâm của Java là “viết một lần và chạy ở bất cứ nơi nào”.
Việc vi phạm bản quyền và làm “phân mảnh” mã Java không chỉ làm tổn hại Oracle, mà còn ảnh hưởng một cách rõ ràng tới khách hàng, các nhà phát triển cũng như đối tác sản xuất thiết bị.
Để tăng thêm phần thuyết phục, Oracle đã đưa ra bằng chứng so sánh mã sao chép mà các kỹ sư Google đã dùng để phát triển Android với mã Oracle America (Java) có bản quyền.
Một bằng chứng của Oracle cáo buộc Google sao chép mã Java mã đóng
Vụ việc này đang lên tới cao trào. Cộng đồng Java và Android đang chờ đợi những phản hồi mới nhất từ phía Google. Nếu thua kiện, “quả trứng vàng” Android có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ biến mất trên thị trường.
Đây có thể là vụ thiệt đơn thiệt kép với Google, người dùng và cả các nhà phát triển.