Mong muốn định dạng máy thay ống kính không gương lật phát triển, Olympus không ngại khi có thêm cả Samsung và Sony tham gia.
Trong những năm 1980, thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ của doanh số bán máy DSLR với những tính năng tiên tiến và chất lượng hình ảnh xuất sắc. Tuy nhiên, với kỷ nguyên số lên ngôi vào những năm 2000, thế thượng phong về doanh số bán hàng đã thuộc về máy ảnh du lịch với tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh. Trong đó, năm 2009 đã vượt quá con số 100 triệu sản phẩm. Trao đổi với tạp chí Cnet, ông Yukihiko Sugita, Tổng giám đốc bộ phận phát triển kế hoạch DSLR của Olympus cho biết, hãng này tin rằng doanh số máy ảnh thay thế ống kính sẽ tăng trưởng trở lại nhưng với một diện mạo mới hơn. Chính vì thế, cùng với Panasonic, Olympus đã đặt nhiều kỳ vọng vào xu hướng máy ảnh định dạng Micro Four Third mà đại diện là các phiên bản dòng PEN E-P1, E-P2 và E-PL1 liên tiếp ra mắt gần đây.
Phụ kiện cho máy ảnh Micro Four Thirds của Olympus. Ảnh: Cnet.
Ống Sugita cũng đưa ra một con số tham khảo là ở những năm 1980, tỷ lệ người dùng DSLR chủ yếu ở dưới độ tuổi 30. Tuy nhiên, ngày nay chính nhóm độ tuổi này lại dùng máy du lịch nhiều hơn. Vì thế ông hy vọng rằng phiên bản mới nhất E-PL1 của hãng cũng sẽ thu hút được phân khúc khách hàng này, nhất là khi doanh số bán hàng cho thấy phần trăm nữ giới ưa thích các mẫu máy số ống kính rời không gương lật đang chiếm đa số.
Trong xu hướng phân khúc Micro Four Third vừa chịu thêm cạnh tranh từ phiên bản NX của Samsung và mẫu Alpha mới của Sony, Olympus không tỏ ra nao núng mà trái ngược hẳn, còn rất vui mừng mời chào các nhà sản xuất tham gia thêm vào phân khúc này. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ khi sân chơi có thêm nhiều "ông lớn", người dùng sẽ có thêm lựa chọn, đồng nghĩa với việc họ sẽ dễ dàng chấp nhận định dạng máy ảnh mới này hơn.
Mặc dù máy ảnh Micro Four Third có cảm biến không lớn như các phiên bản ra sau của Samsung và Sony (hai phiên bản sau dùng kích cỡ APS-C) nhưng đại diện của Olympus cho biết, cảm biến dù quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng bức ảnh. Hãng tin rằng các máy ảnh định dạng Micro Four Third của mình đủ sức cạnh tranh về chất lượng với các phiên bản cảm biến lớn, nhất là việc dùng cảm biến nhỏ cũng có lợi thế là thân máy và ống kính cũng vì thế mà có thể thiết kế gọn nhẹ hơn nhiều.
Sách về định dạng Micro Four Thirds của Olympus bằng tiếng Nhật. (Ảnh: Cnet).
Một lợi thế khác không kém phần quan trọng là định dạng Micro Four Third của Olympus và Panasonic đang được sự ủng hộ từ các nhà sản xuất ống kính, như Voigtlander hay Sigma chẳng hạn.
Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, ông Yasuo Asakura cho biết mặc dù định dạng máy ảnh Micro Four Third thiết kế theo dòng PEN gọn nhẹ đang rất "ăn khách", nhưng trong tương lai các máy ảnh Micro Four Third của hãng sẽ không nhất thiết đi theo dòng này nữa mà sẽ được đa dạng hóa hơn tùy thuộc vào việc khảo sát nhu cầu của khách hàng.
Mặc dù không tiết lộ chi tiết về kế hoạch phát triển Micro Four Third trong tương lai, nhưng đại diện của Olympus cho biết các phiên bản mới sẽ được cải thiện trên một số phương diện. Cụ thể là tốc độ lấy nét vốn hay bị than phiền là chậm sẽ được đẩy nhanh hơn. Các tính năng tiên tiến như kính lọc nghệ thuật (Art Filter) sẽ được bổ sung nhiều hiệu ứng thú vị hơn. Giao diện menu cũng sẽ được thiết kế lại để đảm bảo thân thiện với người dùng hơn.
Đặc biệt, hãng còn cho biết các máy ảnh Micro Four Third trong tương lai còn có thể kết nối với điện thoại di động, dù chưa tiết lộ cụ thể sẽ là kết nối để thực hiện chức năng gì.