Chip Tegra mới sẽ cải thiện năng lực xử lý đồ họa và tốc độ ứng dụng của điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Sau thành công của Tegra 4, Nvidia tiếp tục tung hai chip Tegra mới là Logan và Parker hướng đến điện thoại thông minh và máy tính bảng. Trước đó, ông Jen-Hsun Huang, Giám đốc điều hành (CEO) Nvidia cũng đã chia sẻ một số thông tin liên quan và lộ trình phát triển hai mẫu chip di động này tại Hội thảo công nghệ chip xử lý đồ họa (GPU Technology Conference) của hãng tại Santa Clara, California, Mỹ.
Ông Jen-Hsun Huang, CEO Nvidia chia sẻ lộ trình phát triển những mẫu chip di động Tegra từ năm 2011 đến 2015.
“Logan là thế hệ chip di động kế tiếp Tegra 4 có kích thước chỉ cỡ đồng xu. Những mẫu chip đầu tiên sẽ sớm có mặt trên thị trường vào cuối năm và trở nên phổ biến hơn trong năm sau”, ông Huang cho biết.
Sự thay đổi lớn nhất của chip Logan là sử dụng nhân đồ họa kiến trúc Kepler với mục tiêu tăng hiệu suất tính toán so với mức điện năng tiêu thụ (GFLOP/w). Cũng cần nhắc lại Kepler là kiến trúc đồ họa mà NVIDIA kỳ vọng sẽ tạo được sự đột phá mạnh trong công nghệ xử lý đồ họa so với kiến trúc Fermi thế hệ trước và card đồ họa đơn nhân mạnh nhất hiện nay là TITAN cũng sử dụng kiến trúc này.
Bên cạnh đó, Logan còn là chip Tegra đầu tiên hỗ trợ kiến trúc tính toán song song CUDA (Compute Unified Device Architecture) và Nvidia cũng cung cấp bộ công cụ lập trình CUDA 5 giúp các nhà phát triển phần mềm khai thác tốt hơn sức mạnh xử lý song song của GPU trong tác vụ tính toán chứ không chỉ xử lý đồ họa đơn thuần.
Sau Logan sẽ là Parker. Đây là mẫu chip di động 64-bit đầu tiên của Nvidia dựa trên kiến trúc ARMv8 64-bit mà hãng đã mua bản quyền và phát triển cách đây 2 năm dưới tên gọi dự án Denver. Khác với Logan, chip 64-bit Parker sẽ sử dụng nhân đồ họa mới Maxwell có hiệu suất tính toán cao hơn đồ họa Fermi khoảng 8 lần. Không chỉ vậy, bộ nhớ CPU và GPU của đồ họa Maxwell còn có thể tham chiếu lẫn nhau, cụ thể bộ nhớ GPU có thể đọc dữ liệu từ bộ nhớ CPU và ngược lại. “Điều này sẽ giúp các lập trình viên dễ dàng thiết kế phần mềm hơn”, CEO của Nvidia chia sẻ.
Hiện tại, bộ nhớ GPU và CPU được phát triển dựa trên những công nghệ khác nhau và chúng hoạt động độc lập. Về lý thuyết, có thể kết nối giữa hai bộ nhớ này dựa vào công nghệ ảo hóa. Như vậy, khối lượng công việc được phân bố và xử lý cùng lúc sẽ chính xác và hiệu quả hơn.
Chip Parker cũng sử dụng bóng bán dẫn 3 chiều (3D transistor) như cách Intel áp dụng cho bộ xử lý Ivy Bridge 22nm. Cấu trúc 3D transistor sẽ tiêu thụ ít điện năng hơn so với công nghệ transistor 2D. Như vậy, chip xử lý sẽ sử dụng điện năng hiệu quả hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn tùy vào mục đích thiết kế cho nền tảng nào.
Dù vậy, đại diện của Nvidia đề cập cụ thể thời điểm chip Parker tung ra thị trường. Tuy nhiên theo ARM cho biết đã đạt được thỏa thuận với đối tác chiến lược TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.) và GlobalFoundries trong việc sản xuất chip 64-bit. Những thiết bị di động đầu tiên sử dụng chip 64-bit sẽ xuất hiện trên thị trường trong năm 2014.