Đôi khi một sản phẩm chẳng có gì sai trái mà chỉ thất bại vì nó ra mắt không đúng thời điểm. Nokia N-Gage chính là một trong số đó.
Đến bây giờ, Nokia N-Gage chỉ còn được nhớ tới như là một sản phẩm thất bại nhưng nếu nó ra mắt vào năm 2019, thời điểm mà hầu như mọi hãng đều tung ra smartphone chơi game thì có lẽ mọi thứ đã khác.
N-Gage được ra mắt vào năm 2003 với tư cách là đối thủ cạnh tranh với máy chơi game Game Boy Advance (GBA) ra mắt năm 2001 của Nintendo. Về nhiều mặt, nó là một sản phẩm cao cấp nhưng ở những khía cạnh khác nó có rất nhiều thiếu sót. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất chính là mức giá 300 USD, cao hơn nhiều so với mức giá 100 USD của máy chơi game Nintendo.
Tuy nhiên, Nokia không chỉ bán một chiếc máy chơi game mà đây là một chiếc điện thoại chạy Symbian với đầy đủ tính năng và cấu hình phần cứng tương tự chiếc Nokia 3650 được bán với giá 400 USD ở thời điểm đó. Nokia 3650 có camera nhưng N-Gage thì không.
Bỏ ra thêm 200 USD so với GBA của Nintendo, bạn có một chiếc điện thoại chơi game với khả năng gọi điện, nhắn tin và xử lý các ứng dụng. Dẫu vậy, để gọi điện bạn phải cầm chiếc N-Gage theo một kiểu rất kỳ cục nên chắc chắn nó không phải là một chiếc điện thoại tốt nhất.
Dưới tư cách máy chơi game, N-Gage có vi xử lý nhanh hơn GBA nhưng màn hình nhỏ hơn và độ phân giải thấp hơn - 2.1 inch 176x208 pixel so với 2.9 inch 240x160 pixel. Điều quan trọng nữa là máy chơi game của Nintendo có các nút điều khiển được bố trí chuẩn mực giúp thao tác dễ dàng, thoải mái hơn.
Xét về khả năng trong tương lai, Nokia N-Gage vượt xa so với đối thủ. Nó cung cấp khả năng chơi game nhiều người cục bộ qua Bluetooth mà không cần phần cứng bổ sung. Trong khi đó, hai chiếc GBA chỉ có thể được kết nối với nhau qua cáp GameLink hoặc adapter không dây, một lựa chọn kém thuận tiện hơn rất nhiều.
N-Gage cũng có thể cung cấp khả năng chơi nhiều người qua kết nối Internet. Trên thực tế, một trong những game bán chạy nhất cho nền tảng này, Pocket Kingdom: Own the World, là một trò chơi trực tuyến đa người chơi ra mắt vào năm 2004. Cùng năm đó, World of Warcraft (WoW) ra mắt và phá kỷ lục doanh số với 240.000 bản được bán ra trong 24 giờ đầu tiên chỉ riêng tại Mỹ.
Thời điểm ấy, những trò chơi kiểu sinh tồn như PUGB hay Fortnite chưa hề tồn tại. WoW ngày đó phổ biến chẳng kém gì PUBG và Fortnite bây giờ. Tuy nhiên. Pocket Kingdom không phải game nổi bật như WoW nên không thể được sử dụng để thúc đẩy doanh số Nokia N-Gage.
Ngày đó, hàng triệu người chơi WoW giống như hàng tỷ người chơi game trên điện thoại ngày nay. Nếu lịch sử có một ngã rẽ khác, N-Gage đã có thể là chiếc điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn thế giới.
Thực tế hoàn toàn ngược lại, Nokia chật vật trong việc bán game. Gã khổng lồ Phần Lan dự kiến sẽ bán được 6 triệu game trong 3 năm nhưng cuối cùng chỉ bán được 3 triệu.
Nhắc tới doanh số của chiếc N-Gage thì mọi thứ còn tệ hơn nữa. Cụ thể, có 3 triệu chiếc N-Gage đã được bán ra. Tính trung bình mỗi chủ sở hữu N-Gage chỉ mua 1 game và có thể nhận được một vài game miễn phí khác.
Cuối cùng, trong vài tuần sau khi N-Gage ra mắt, xét về mặt doanh số thì GBA bán chạy hơn điện thoại của Nokia theo tỷ lệ 100:1. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100 chiếc GBA được Nintendo bán ra thì ở phía đối diện Nokia mới bán được 1 chiếc N-Gage. Xét toàn bộ thời gian, doanh số GBA vượt trội hơn Nokia N-Gage theo tỷ lệ 27:1.
Xét về mặt ý tưởng, Nokia N-Gage là một thiết bị tuyệt vời. Nó cũng mang trong mình chất lượng gia công đỉnh cao của Nokia và thiết kế cá tính. Nokia N-Gage thất bại là do đi trước thời đại và cũng có thể là do nó chưa được hoàn thiện một cách tốt nhất cho cả hai chức năng là điện thoại và máy chơi game.