Được tích hợp nhiều tính năng hiện đại, điện thoại thông minh khiến cho thị phần của nhiều sản phẩm chuyên dụng khác phải thu hẹp lại hoặc biến mất trên thị trường.
Máy quay bỏ túi Flip vừa bị hãng Cisco "khai tử". Flip xuất hiện năm 2007, trở thành máy bán chạy nhất tại Mỹ, ước tính khoảng 2 triệu bản bán ra năm 2010, đem về cho Cisco 317 triệu USD (2010) và 590 triệu USD (2009). Nhưng doanh số Flip giảm đến 19% vào Giáng sinh năm ngoái. Thị trường máy quay phim bỏ túi chịu cạnh tranh khốc liệt từ smartphone. Theo nghiên cứu của GfK, có đến 75% người sở hữu smartphone dùng sản phẩm này để chụp hình, quay phim thay cho việc phải dùng máy chuyên dụng.
Thị trường PDA bắt đầu từ những năm 90 thế kỷ trước và được thống trị bởi Palm và HP. Sony đã từ bỏ PDA vào năm 2004 khi doanh số bán hàng bắt đầu giảm. Dần dần smartphone được tích hợp mọi tính năng đã làm nên tên tuổi PDA như khả năng xử lý của máy tính để bàn, tính năng đa phương tiện, kết nối Internet, định vị địa lý, dữ liệu đồng bộ hóa với PC, màn hình lớn hơn... Và sau đó không lâu những chiếc điện thoại thông minh đã "bức tử" PDA.
Theo nghiên cứu của GfK, hơn 85% người Pháp nghe nhạc trên điện thoại thông minh của mình. Sau nhiều năm tăng trưởng kể từ đầu năm 2000 với sự dẫn đầu của iPod, doanh số máy nghe nhạc số bắt đầu giảm trong năm 2007. Để tiếp tục cuộc chiến giành thị phần, máy nghe nhạc đã được tích hợp nhiều tính năng giải trí đa phương tiện như xem phim, chơi game, quay phim chụp hình, kết nối Internet... Nhưng có vẻ như phần thắng đang dần nghiêng về smartphone.
Chức năng GPS là một trong những ứng dụng ít được sử dụng nhất trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên không phải vì thế mà các thiết bị điều hướng GPS không chịu sự cạnh tranh từ smartphone. Thị trường thiết bị GPS bắt đầu sụt giảm từ năm 2009 khi mà tính năng điều hướng ngày càng được hoàn thiện trên smartphone. Kết quả khảo sát gần đây của TNS-Sofres cho thấy có đến 10 % người lái xe tìm hiểu thông tin lộ trình và điều hướng tuyến đường của họ thông qua điện thoại di động.