Những thành công và "thất bại" của Bill Gates

Không ai có thể phủ nhận dấu ấn của Bill Gates tại Microsoft nói riêng và trong thế giới công nghệ nói chung. Nhưng cũng như bất cứ ai khác, Bill Gates không phải con người hoàn hảo tuyệt đối. Cũng có lúc ông đã mắc sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng là đằng khác.

Những lần "sảy chân" của Bill Gates

1. "Thư rác sẽ là quá khứ!"

Lời tiên đoán "trật lất" này đã đi vào lịch sử như một trong những câu chuyện tiếu lâm hài hước nhất. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2004, ngài Chủ tịch Bill Gates của Microsoft đã mạnh miệng dự đoán rằng: Chỉ nội trong vòng 2 năm, vấn nạn thư rác sẽ được thanh toán dứt điểm.

Theo Gates, loài người sẽ tìm ra nhiều biện pháp về công nghệ, tài chính và phát minh ra những bộ lọc đủ mạnh để khiến spammer nản lòng nhụt chí. "Việc phát tán thư rác sẽ không còn mang lại lợi ích và tiền bạc nữa, nên spammer sẽ tự động rút lui", Gates đã tin như vậy.

Nhưng 4 năm đã trôi qua, và thực tế diễn biến thế nào thì tất cả chúng ta đều đã biết. Vấn nạn thư rác không những không suy giảm mà còn trở nên tồi tệ hơn.

Tính tới thời điểm này, những thông điệp không mời mà đến ấy chiếm tới hơn 80% tổng dung lượng email của cả thế giới. Cứ mỗi ngày lại có cả tỷ thư rác được gửi đi, và rất nhiều spammer đang sống như ông hoàng nhờ cái nghề hốt bạc này.

2. Mạng Internet

Sự nổi lên chóng vánh của mạng Net và sự thành công choáng ngợp của world wide web đã khiến nhiều người phải bất ngờ, trong đó có cả Gates.

Năm 1995, Gates có chắp bút viết một cuốn sách mang tựa đề "Con đường phía trước", đề cập một cách qua loa đến "Làn sóng mới mang tên Net" và những ảnh hưởng tiềm ẩn của nó. Mặc dù các lần tái bản sau của cuốn sách đã cố gắng khắc phục thiếu sót này, song rõ ràng Microsoft hoàn toàn chậm chân trong cơn sốt dotcom.

Đến năm 1998, Gates xác định Internet sẽ là trọng tâm, là trái tim của mọi chiến lược kinh doanh trong tương lai.

Nhưng bất chấp những thay đổi về tư tưởng và cả những nỗ lực chuyển hướng của Microsoft, so với các đối thủ Google, Yahoo, gã khổng lồ phần mềm vẫn luôn bị coi là "kẻ tụt hậu".

Ngay trong buổi chia tay Microsoft chính thức hôm 27/6 vừa qua, Gates vẫn không quên ngậm ngùi thừa nhận rằng: "Không nhận ra sức mạnh của Internet" chính là một trong những sai lầm lớn nhất của ông.

3. Bảo mật cho Windows

Tháng 1/2002, Bill Gates phát đi một thông điệp mang tên "Điện toán tin cậy", xác định những mối ưu tiên hàng đầu của Microsoft trong các năm kế tiếp. Một trong số này chính là: Dồn sức cho bảo mật và tích hợp dữ liệu người dùng.

Bản thân các nhân viên và kỹ sư của Microsoft cũng đã tham dự vô số khóa đào tạo về phần mềm và các bản cập nhật dành cho hệ điều hành Windows.

Còn về đối ngoại, gã khổng lồ phần mềm không ngần ngại quảng cáo Vista chính là "hệ điều hành an toàn nhất từ trước tới nay".

Gates đã gọi Vista là "thành quả" của sự thay đổi về tư duy và chiến lược bảo mật tại Microsoft. Rất nhiều công nghệ và sáng kiến đã được tích hợp vào trong hệ điều hành này để hạn chế khả năng của bọn tội phạm mạng.

Nhưng bất chấp những nỗ lực của Microsoft, vấn nạn tội phạm hi-tech vẫn cứ bùng nổ như thường. Mỉa mai thay, mục tiêu tấn công hàng đầu luôn là máy tính cài hệ điều hành Windows.

Bill Gate
Nguồn: AFP

4. Sáng tạo

Dù không ai phủ nhận việc Microsoft là một đế chế trên thị trường phần mềm desktop, song hẳn bạn sẽ ngần ngừ khi được hỏi: "Có công nhận Microsoft là cái nôi sáng tạo ra những sản phẩm làm thay đổi thế giới hay không?" Trên thực tế, Microsoft nổi tiếng với việc "đại chúng hóa và phổ biến hóa" các ý tưởng, hơn là tự mình thai nghén ra những ý tưởng ấy.

Rất ít công nghệ "mới toanh" được ra lò từ đại bản doanh Redmond hay các phòng nghiên cứu trên khắp thế giới của hãng.

Những công nghệ làm nên thành công cho Microsoft như giao diện đồ họa người dùng, chuột máy tính, bảng tính, web, trình duyệt web, phần mềm nghe nhìn - oái oăm thay, đều là công nghệ do người khác nghĩ ra.

Kể cả khi Microsoft đã mạnh tay rót tới hàng tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu, song hiếm khi thế giới được trầm trồ thán phục một công nghệ nào đó "hoàn-toàn-mới" từ Bill Gates.

Những quyết định chuẩn xác của Bill Gates

1. Rời bỏ Harvard

Bill Gates nhập học Harvard năm 1973 ở tuổi 18, nhưng chưa bao giờ, ông hoàn tất chương trình đại học của mình. Chỉ sau hai năm dùi mài kinh sử tại đây, Gates đã quyết định... bỏ học để lập công ty riêng: Một công ty chuyên kinh doanh phần mềm máy tính có tên Microsoft.

Điều gì khiến cho Bill Gates kiên định và liều lĩnh như vậy?

Những kinh nghiệm tích lũy được về máy tính, cùng với sự xuất hiện của vi chip xử lý, đã khiến Gates nhìn ra một kỷ nguyên mới của điện toán cá nhân, nơi "máy tính sẽ xuất hiện trên từng chiếc bàn làm việc, trong từng căn hộ gia đình".

Bỏ học có lẽ là một trong những quyết định đúng đắn nhất của Gates từ trước tới nay. Microsoft chính thức ra đời năm 1975 và thành công của hãng đã làm thay đổi toàn bộ địa hạt công nghệ thế giới. Bản thân ông chủ của nó cũng thành công không kém về mặt tài chính. Chí ít thì Gates cũng là người giàu nhất thế giới trong nhiều năm qua.

Năm ngoái, Gates đã được hưởng một vinh dự hiếm hoi: Nhận bằng tốt nghiệp danh dự của trường Đại học Harvard. Khi nhận bằng, Gates đã nói: "Tôi sẽ đổi việc vào năm tới. Sẽ thật tuyệt nếu có thể hoàn tất chương trình đào tạo đại học của mình và điền thông tin đó vào CV".

2. Ký hợp đồng với IBM

Có thể nói, thành công buổi đầu của Microsoft gắn chặt với bệ phóng mang tên IBM. Năm 1981, hãng ký được thỏa thuận độc quyền với IBM, theo đó, thế hệ máy tính cá nhân đầu tiên do IBM xuất xưởng sẽ cài đặt hệ điều hành MS-DOS.

Ở thời điểm ấy, IBM giống như gã khổng lồ Goliah, còn Microsoft của Bill Gates bé nhỏ chẳng khác gì chàng David. Thế nên việc Microsoft được IBM chiếu cố nâng đỡ đã giúp danh tiếng của hãng nhanh chóng "nổi như cồn".

Chả mấy chốc, hệ điều hành của Microsoft nhận được đơn đặt hàng từ hàng loạt nhà sản xuất PC khác. Kể từ đó đến nay, hầu hết PC sản xuất ra đều được cài sẵn phần mềm do Microsoft cung cấp. Cứ mỗi cỗ PC bán được, Microsoft lại bỏ túi kha khá tiền. Và như tất cả đều đã biết, Microsoft hiện là kẻ thống trị tuyệt đối trên thị trường phần mềm desktop.

3. Xbox và Xbox Live

Khi Bill Gates công bố dự án Xbox lần đầu tiên, chẳng mấy người dám tin là chiếc máy chơi game này sẽ làm nên trò trống gì. Cơ hội giành giật thị phần của nó trước những đối thủ gạo cội, cứng cựa như Sony PlayStation quả thật quá nhỏ.

"PS2 lừng lững như một tượng đài, còn PS3 thì sắp sửa được tung ra. Ai cũng nghĩ Microsoft đang tự đâm đầu vào đá, bởi đơn giản, đối thủ của họ không thể bị đánh bại". Ấy thế nhưng một trong những phẩm chất đáng quý nhất ở Gates cũng như Microsoft chính là sự kiên định. Kết hợp tinh thần ấy với tiềm lực tài chính khổng lồ, Microsoft đã khiến cả ngành công nghiệp game phải ngỡ ngàng.

Xbox 360 gây nên một cơn sốt chưa từng có tại Mỹ và tranh đấu ngang ngửa với PS3. Thậm chí có những thời điểm doanh số tiêu thụ của Xbox 360 đã vượt mặt cả PS3. Xbox 360 được tôn vinh là sản phẩm mở màn cho thế hệ game console mới, với sức mạnh xử lý, đồ họa và tính năng "tối tân từ đầu đến chân".

Ngoài Xbox360, tựa game Halo 3 mà Microsoft viết riêng cho Xbox cũng lập kỷ lục sản phẩm giải trí ăn khách nhất.

4. Đưa máy tính đến mọi nhà

Niềm tin của Gates về việc "máy tính sẽ xuất hiện trên từng chiếc bàn làm việc, trong từng căn hộ gia đình" đã trở thành sứ mệnh kiêm "thần chú" tại Microsoft trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.

Khi sử dụng máy tính cá nhân, người ta đã nhớ về phần mềm của Microsoft nhiều hơn là nghĩ tới phần cứng hay thiết bị. Hệ điều hành Windows đã trở thành gương mặt nhận dạng của gần như mọi cỗ PC. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Microsoft đã giúp phổ cập hóa máy tính cá nhân và hút người dùng đến với PC.

Ngày nay, có tới 90% số máy tính để bàn trên toàn thế giới đang sử dụng Windows. Liệu còn biểu tượng nào xứng đáng hơn để mô tả thành công của Microsoft và Bill Gates nữa hay không?

Thứ Hai, 30/06/2008 17:51
4,39 👨 6.920
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ Thiên tài