Trong thương vụ ồn ào 1,1 tỷ USD giữa Yahoo và Tumblr, có một thông tin đã khiến nhiều người chú ý là David Karp; CEO 26 tuổi của Tumblr, đã nghỉ học phổ thông từ khi mới 15 tuổi.
Khi Karp 14 tuổi, anh đã bắt đầu thấy các tiết học tại trường chán ngắt và thường dính chặt lấy máy tính trong phần lớn thời gian rảnh rỗi. Anh may mắn có một người mẹ tuyệt vời. Thay vì tách anh khỏi màn hình, bà Barbara Ackerman lại gợi ý con trai mình bỏ học và tự học ở nhà.
David Karp bỏ học để theo đuổi đam mê, nhưng đó không phải là đam mê kiếm tiền.
"Tôi thấy nó tốn thời gian cả ngày ở trường rồi thức trắng đêm bên máy tính. Rõ ràng, David cần một không gian để sống với niềm đam mê của nó. Đó là đam mê máy tính. Tất cả chỉ là máy tính mà thôi", Ackerman trả lời The New York Times.
Karp, sinh năm 1986, chưa bao giờ tốt nghiệp cấp ba cũng như chưa từng đăng ký vào đại học. Nhưng giờ anh là triệu phú với số tài sản lên tới 250 triệu USD nhờ bán lại cho Yahoo nền tảng blog Tumblr mà anh sáng lập khi mới đang trong giai đoạn tuổi teen.
Một 8x khác cũng bỏ học rồi trở thành tỷ phú công nghệ là Mark Zuckerberg - nhà sáng lập mạng xã hội đã đạt hơn 1 tỷ thành viên. Anh đã rời ngôi trường danh tiếng Harvard để có thể dành trọn thời gian và tâm huyết cho dự án Facebook. Anh chia sẻ, chính Bill Gates có ảnh hưởng lớn đến quyết định của anh.
Tỷ phú trẻ nước Mỹ Mark Zuckerberg.
Nhà đồng sáng lập Microsoft quyết định rời xa ghế nhà trường bởi ông nhận thấy nếu tiếp tục dành thêm vài năm ở đại học, ước mơ của ông sẽ mãi chỉ là ước mơ. Giờ đây, ông nắm giữ danh hiệu người giàu nhất hành tinh. Còn Zuckerberg, vừa đón sinh nhật 29 tuổi ngày 14/5, cũng đã là tỷ phú đồng thời là ông chủ một trong những "đế chế" hùng mạnh nhất trên Internet.
Gia nhập đội ngũ những người "thất học" nhưng sớm trở thành triệu phú công nghệ ở tuổi đôi mươi còn có Aaron Levie, sáng lập dịch vụ chia sẻ file phổ biến thế giới Box.net. Levie năm nay 27 tuổi, sở hữu số tài sản ước tính khoảng 100 triệu USD. Trang BBC mô tả về anh: "Một người thích ăn mỳ spaghetti đóng hộp, lái chiếc xe đã sử dụng 6 năm và có thể vừa ăn bánh kẹp vừa ký hợp đồng tại nhà hàng McDonald's, Levie rõ ràng không phải mẫu người khi bạn hình dung về một triệu phú".
Aaron Levie, triệu phú thích ăn mỳ gói.
Sống trong căn hộ khá khiêm tốn, rất ít khi đi du lịch, Levie cho hay món đồ xa xỉ nhất của anh là iPhone bởi anh quá say mê công việc nên chẳng có thời gian quan tâm đến những thứ hào nhoáng. Người ta thường xuyên thấy anh rời công ty khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới.
"Tôi làm việc không ngừng bởi vì tôi yêu những gì tôi đang làm", Levie giải thích. Công việc đó là xây dựng dịch vụ đám mây, giúp mọi người không phải mua ổ cứng hay máy chủ mà có thể thuê dung lượng của Box.net để lưu trữ rồi sau đó dễ dàng truy cập qua máy tính hay smartphone. Dịch vụ này đạt doanh thu 70 triệu USD năm 2012 và đang được tới 460 doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 sử dụng, từ tập đoàn tiêu dùng Procter&Gamble cho tới công ty quảng cáo Clear Channel.
Đây là thành tích không hề nhỏ với Levie, người đã bỏ học Đại học Los Angeles để theo đuổi ước mơ với những đêm ngủ ngay trên thảm văn phòng, đồ ăn là mỳ gói và spaghetti, thậm chí 2-3 ngày không ra khỏi công ty. Giống David Karp của Tumblr làm việc vì đam mê chứ không phải để kiếm tiền, Levie khẳng định: "Tiền bạc, danh tiếng không phải thứ tôi hướng tới. Đối với tôi, chẳng có gì thú vị hơn là được tham gia xây dựng những sản phẩm tuyệt vời". Chính vì thế anh sẵn sàng bỏ học để sống với hoài bão, và cũng chính vì lý do đó mà anh từ chối lời đề nghị mua lại Box.net với giá hơn nửa tỷ USD năm 2012.
Zuckerberg, Karp và Levie là ba gương mặt tiêu biểu của kỷ nguyên Internet. Họ cùng bỏ học, cùng chung niềm đam mê, cùng thành công và vẫn sống giản dị - những điều người ta vẫn thường mô tả về các "tiền bối" Bill Gates và Steve Jobs. Họ đã chứng minh không cần phải bằng cấp mới thành đạt vì ở kiến thức có thể được học bằng nhiều cách.
Năm 2012, Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal và từng đỡ đầu cho Facebook, đã khuyến khích các sinh viên bỏ học. Ông lập quỹ học bổng, tài trợ 100.000 USD và làm cố vấn cho những người dưới 20 tuổi sẵn sàng rời ghế nhà trường để bắt đầu xây dựng một công ty công nghệ. Thiel thực hiện điều này bởi ông nhận thấy sự thiếu hụt trầm trọng các tài năng có thể phát triển những công nghệ đột phá. "Vấn đề của xã hội hiện nay là mọi người vẫn giữ quan điểm sai lầm rằng ai cũng phải vào đại học", Thiel cho hay.
Tuy nhiên, đúng là thực tế có nhiều người bỏ học để trở thành tỷ phú hay triệu phú, nhưng họ vẫn chỉ chiếm phần trăm nhỏ so với số tỷ phú không bỏ học. Bằng cấp không phải thước đo duy nhất, nhưng nếu dũng cảm gạt bỏ thước đo này thì người ta cũng cần chứng minh họ có những thước đo giá trị khác, đó là tài năng, đam mê và tầm nhìn rộng.