Những người trẻ tuổi đang quá tự tin khi nói về bảo mật trực tuyến!

Khi nói chuyện với nhiều người trẻ tuổi đang hàng ngày tiếp xúc với công nghệ thậm chí còn nhiều hơn với người thân hay bạn bè, không ít trong số đó nói với tôi rằng nhân loại đang thực sự sống ở thời kỳ đỉnh cao của công nghệ và cả bảo mật thông tin. Liệu suy nghĩ này có phải là chính xác hay không?

Tất nhiên tôi không dám khẳng định rằng bất cứ người trẻ nào cũng có suy nghĩ trên, nhưng một cuộc khảo sát được thực hiện mới đây đã cho thấy kết quả “đáng báo động” về việc những người trẻ tuổi đang tỏ ra tự tin đến mức “thái quá” khi nói về việc giữ an toàn cho các tài khoản trực tuyến của mình.

Những người trẻ tuổi đang quá tự tin khi nói về bảo mật trực tuyến!

Cụ thể, một cuộc thăm dò được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường Harris Poll đã tiến hành khảo sát 3.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ về vấn đề bảo mật tài khoản cá nhân trên internet. Kết quả là có đến 78% những người thuộc nhóm “Gen Z” (từ 16-24 tuổi) thừa nhận họ đã từng hoặc đang sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản trực tuyến.

“Có thể nói người trẻ tuổi đang là những cư dân đích thực của thế giới công nghệ. Nhiều người trong số họ không thể nhớ được quãng thời gian mà khi internet, smartphone chưa “xâm chiếm” trái đất, cuộc sống diễn ra như thế nào. Một số thậm chí chọn không thể sống thiếu máy tính, điện thoại thông minh dù chỉ 1 ngày. Tôi nghĩ rằng những điều như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách thức những người trẻ tuổi suy nghĩ về công nghệ và bảo mật", Emily Schechter, giám đốc quản lý sản phẩm Chrome Security tại Google chia sẻ.

78% những người từ 16-24 tuổi) thừa nhận họ đã từng hoặc đang sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản trực tuyến

Trở lại với cuộc khảo sát của Harris Poll. Thật ngạc nhiên là nhóm “Baby Boomers” (từ 50 tuổi trở lên) mới là những người có thói quen bảo mật tài khoản tích cực nhất với chỉ 60% trong số họ sử dụng cùng 1 mật khẩu trên nhiều tài khoản, trong khi con số này đối với những người từ 25 đến 49 tuổi là 67%.

Rõ ràng chúng ta đều biết rằng trong nhiều trường hợp, việc sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản trực tuyến khác nhau hoàn toàn không phải là ý tưởng hay. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều vấn đề khác cần cần phải xem xét trong việc chọn lựa và quản lý mật khẩu sao cho an toàn và quan trọng là đủ “mạnh”. Đơn cử như việc một mật khẩu “chấp nhận được” phải đảm bảo có nhiều hơn 8 ký tự, hoặc là sử dụng kết hợp giữa cả chữ hoa - chữ thường và thậm chí cả chữ số. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ quản lý mật khẩu để quản lý nhiều mật khẩu khác nhau một cách khoa học và hiệu quả hơn.

Không nên sử dụng 1 mật khẩu cho nhiều tài khoản

Mặt khác, những người trẻ cũng tỏ ra quá tự tin khi nói về vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, trong đó 71% số người được hỏi trong nhóm Gen Z nói rằng họ sẽ không bao giờ trở thành nạn nhân của bất kỳ vụ lừa đảo trực tuyến nào, thế nhưng điều “khôi hài” là chỉ có 44% trong số họ thực sự trả lời chính xác được câu hỏi "lừa đảo trực tuyến" nghĩa là gì.

Trong khi đó, đa số những người 25-49 tuổi và nhóm Boomers đều không “dám” tự tin rằng họ sẽ không trở thành nạn nhân của những trò gian lận trên mạng, đồng thời những người này cũng hiểu rõ hơn "lừa đảo trực tuyến" thực sự là gì.

Tuy nhiên, những người trẻ cũng không hoàn toàn lơ là về vấn đề bảo mật. Harris Poll đã phát hiện ra rằng Gen Z chính là nhóm có tỷ lệ sử dụng phương thức xác minh hai yếu tố (two-step verification) cao nhất với 76%. Trong khi chỉ có 62% thành viên của nhóm Baby Boomers sử dụng tính năng bảo mật tương tự, và con số này đối với những người từ 25-49 tuổi là 74%.

Nói về kết quả này, chuyên gia bảo mật Emily Schechter cho rằng: “Mặc dù vẫn thường khuyên tất cả mọi người, bất kể ở độ tuổi nào, rằng hãy thử sử dụng những mẹo an toàn trên internet mà chúng tôi (Google) đã từng chia sẻ trong thời gian gần đây, nhưng tôi cũng nghĩ rằng các nhà phát triển phần mềm nên xây dựng lên những phần mềm dễ làm quen và sử dụng hơn cho mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau. Thực tế mà nói thì mỗi người trong số chúng ta không cần phải là chuyên gia bảo mật thì mới có thể được an toàn khi hoạt động trực tuyến, đồng thời cũng không cần phải hiểu rạch ròi những khái niệm “chuyên sâu” như chứng chỉ bảo mật là gì hoặc cần phải ghi nhớ mật khẩu phức tạp cho mỗi một tài khoản online. Toàn bộ những điều trên là trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các công ty phát triển ứng dụng bảo mật”.

Tất cả mọi người, bất kể ở độ tuổi nào, rằng hãy thử sử dụng những mẹo an toàn trên internet

Quan điểm của bà Emily Schechter là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng đứng từ góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng mỗi người trong số chúng ta vẫn nên tự trang bị cho mình những kiến thức cũng như phương án bảo mật phù hợp để bảo đảm sự an toàn cho chính bản thân một cách chủ động hơn.

Thứ Hai, 06/05/2019 16:45
54 👨 556
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tấn công mạng