Danh sách này hội tụ rất nhiều giám đốc điều hành các công ty tên tuổi, như Michael Dell (Dell), Sherilyn McCoy (Avon), Ron Johnson (J.C.Penney) hay Rory Read (AMD).
2012 là một năm tồi tệ với rất nhiều công ty trên thế giới. Chỉ riêng quý III, Chesapeake Energy lỗ tới 2 tỷ USD. Lợi nhuận của Dell cũng giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2011. Wall Street đang ngày càng sốt ruột với tình hình tài chính của các công ty này. Và dĩ nhiên, người chịu hậu quả là các CEO. Theo dự đoán của 24/7 Wall Street, những người dưới đây có lẽ sẽ phải khăn gói ra đi trong năm 2013.
1. Ron Johnson
Công ty: J.C. Penney
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -42%
Cựu giám đốc bán lẻ của Apple - Ron Johnson trở thành CEO của J.C.Penney tháng 11/2011. Chỉ hơn một năm sau, ông đã làm tê liệt hẳn hãng bán lẻ vốn đang rất chật vật này. Trong báo cáo quý III/2012, doanh thu của hãng đã giảm từ 4 tỷ USD xuống 2,9 tỷ USD với khoản lỗ 123 triệu USD.
Số liệu lũy kế ba quý đầu 2012 cũng không khá khẩm hơn. Doanh thu 9 tháng giảm từ 11,8 tỷ USD năm 2011 xuống còn 9,1 tỷ USD với khoản lỗ 433 triệu USD. Giới phân tích nhận định J.C.Penney khó có thể đảo ngược tình thế trong năm nay.
2. Jeffery R. Gardner
Công ty: Windstream
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -26%
Gardner trở thành CEO của Windstream cuối năm 2005. Một trong những đóng góp lớn nhất của ông cho Windstream, theo chính công ty này, là “hoàn tất 9 thương vụ mua bán kể từ năm 2006”. Wall Street sau đó được một phen lao đao “nhờ” cổ phiếu Windstream. Vì dù doanh thu của hãng có tăng nhờ M&A, nhưng lợi nhuận thì lại chẳng thấy đâu. Windstream kiếm 4,3 tỷ USD năm 2011, tăng so với 3 tỷ USD năm 2006. Tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm một mạch từ 545 triệu USD xuống 172 triệu USD.
Năm 2012, tài chính của hãng còn tồi tệ hơn khi doanh thu quý III chỉ còn 1,55 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận là 54 triệu USD, giảm so với 78 triệu USD năm ngoái. Nỗ lực bất thành tại mảng Internet tốc độ cao và cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ đã khiến Windstream ngày càng xuống dốc.
3. Michael Dell
Công ty: Dell
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -30%
Quyết định sa thải nhà sáng lập kiêm CEO của một công ty là việc tương đối khó khăn. Tuy nhiên, Michael Dell có lẽ sẽ là trường hợp đầu tiên trong năm nay. Cổ phiếu hãng máy tính này không chỉ giảm 30% năm ngoái, mà tổng cộng đã mất tới 59% trong 5 năm qua. Quý III/2012, doanh thu của Dell giảm từ 15,4 tỷ USD xuống còn 13,7 tỷ USD. Lợi nhuận cũng mất gần một nửa xuống còn 475 triệu USD so với cùng kỳ.
Giới phân tích cho rằng Michael Dell đã quá chậm chạp trong việc mở rộng sang phân khúc cho doanh nghiệp, như IBM hay Oracle, hoặc ít nhất cũng phải sang thiết bị thông minh, như Apple hay Google. Gần đây, Dell đã mua lại Gale Technologies. Tuy nhiên, công ty này không đủ lớn để giúp họ tăng cường hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ và cung cấp phần mềm doanh nghiệp.
4. Sherilyn McCoy
Công ty: Avon
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -38%
McCoy gia nhập Avon vào tháng 4/2012. Kể từ đó, cổ phiếu hãng mỹ phẩm này đã giảm tới 38%. McCoy được đưa về Avon để đảo ngược tình trạng tồi tệ gây ra bởi người tiền nhiệm - Andrea Jung. Tuy nhiên, quý III/2012, doanh thu của hãng đã giảm 8% xuống 2,6 tỷ USD. Lợi nhuận còn sụt khủng khiếp hơn với 81%, xuống 32 triệu USD.
Ngay sau khi công bố báo cáo tài chính quý, Avon quyết định giảm 1.500 lao động, đồng thời rút khỏi Việt Nam và Hàn Quốc để tiết kiệm 400 triệu USD mỗi năm. McCoy giải thích động thái này nhằm “khởi đầu công cuộc đưa Avon tới tăng trưởng bền vững”. Tuy nhiên, bà không cho biết giảm chi phí sẽ cải thiện doanh thu như thế nào.
5. John Riccitiello
Công ty: Electronic Arts
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -32%
Riccitiello làm CEO Electronic Arts (EA) từ tháng 4/2007. Kể từ đó, giá trị của hãng trò chơi máy tính này liên tục trượt dốc. Trong 5 năm qua, cổ phiếu EA đã giảm hơn 75%. Hãng này cũng thua lỗ tổng cộng 2,5 tỷ USD trong 4 năm 2008 - 2011. Doanh thu quý III/2012 giảm từ 715 triệu USD xuống 711 triệu USD. Khoản lỗ 381 triệu USD cũng lớn hơn cùng kỳ (340 triệu USD).
Wall Street cho rằng khả năng kiếm tiền từ nền tảng di động và truyền thông xã hội của Riccitiello quá kém. Tháng 7/2011, EA mua PopCap Games với 650 triệu USD để tiến vào phân khúc game xã hội và game trên smartphone.
Tháng 9/2011, hãng này tiếp tục thâu tóm Playfish với 400 triệu USD để giành thị phần game online trên Facebook. Tuy nhiên, EA vẫn không thể đuổi kịp các công ty như Zynga. Doanh thu của hãng cũng không hề cải thiện, dù đã rất nỗ lực đa dạng hóa các mảng kinh doanh bên cạnh game trên máy chơi cầm tay truyền thống.
6. Rory Read
Công ty: Advanced Micro Devices (AMD)
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -54%
Read gia nhập hãng sản xuất chip điện tử AMD tháng 4/2011. Kể từ đó, cổ phiếu AMD giảm tới 72%. Cuối quý III/2012, thị phần bộ vi xử lý toàn cầu của hãng còn chưa đến 17%, do sự phổ biến của máy tính để bàn (PC) đang giảm dần.
Gần đây, AMD đã bắt đầu lấn sân sang phân khúc smartphone và máy tính bảng. Tuy nhiên, thị trường này lại bị Qualcomm và Samsung thống trị. Intel cũng đang gặt hái thành công với dòng vi xử lý Atom x86. Trong khi đó, AMD vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể.
7. Andrew Mason
Công ty: Groupon
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -78%
Mason chính là người đồng sáng lập Công ty mua theo nhóm Groupon tháng 11/2008. Anh bị chỉ trích vì đã để các đối thủ nhỏ hơn, và cả lớn hơn như Amazon.com hay Wal-Mart, lấy mất thị phần. Tình hình tài chính tồi tệ của Groupon đang làm dấy lên nghi ngờ công ty này khó có thể hoạt động độc lập trong thời gian tới.
Quý III/2012, Groupon đạt doanh thu 569 triệu USD, tăng so với 430 triệu USD cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng 32% vẫn dưới mức kỳ vọng của giới đầu tư, nhất là với một công ty thống trị kỷ nguyên Web 2.0. Bên cạnh đó, Groupon còn lỗ 54 triệu USD năm 2011 và độ hấp dẫn của hãng với người tiêu dùng đang ngày càng giảm sút.
8. Aubrey McClendon
Company: Chesapeake Energy
Biến động giá cổ phiếu năm 2012: -24%
Wall Street tỏ ra rất ngạc nhiên vì sao đến giờ, CEO kiêm đồng sáng lập Chesapeake - Aubrey McClendon vẫn còn được yên vị. Hồi tháng 4, ông đã bị điều tra vì dùng cổ phần của mình trong tập đoàn để vay 1,1 tỷ USD trong 3 năm, đồng thời quản lý một quỹ đầu cơ dầu mỏ trị giá 200 triệu USD. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là việc làm gây "xung đột lợi ích rất rõ ràng". Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết đã bắt đầu “điều tra không chính thức” vụ việc này ngay sau đó.
Tháng 5/2012, McClendon bị HĐQT của Chesapeake buộc ra khỏi chức chủ tịch. Doanh thu quý III của công ty cũng giảm xuống 3 tỷ USD từ 4 tỷ USD cùng kỳ. Khoản lỗ hãng này phải gánh là 2 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2011 là lãi 922 triệu USD.
Đến tháng 6, Chesapeake bổ nhiệm Chủ tịch và bốn thành viên mới vào HĐQT. Vì thế, Wall Street cho rằng thời gian của McClendon ở công ty năng lượng này đã chấm dứt.