Số lượng các doanh nghiệp và tổ chức mạo hiểm ứng dụng điện toán đám mây vốn đã "khá hẻo" thì nay, một cuộc thăm dò cho thấy đa số tỏ ra thất vọng với kết quả đạt được.
Theo hãng bảo mật Symantec, tỷ lệ các tổ chức outsource ứng dụng của mình cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây chưa tới 20%. Hai phần ba số tổ chức cho biết họ mới đang thảo luận, thử nghiệm hoặc thậm chí là không nghĩ đến chuyện chuyển sang đám mây.
Ngay cả những tổ chức đã ứng dụng cũng có vấn đề. 75% trong số họ chỉ dừng lại ở những dịch vụ đám mây đơn giản như backup dữ liệu, lưu trữ và bảo mật. Rất hiếm tổ chức dám outsource toàn bộ ứng dụng hoặc quy trình của mình "lên mây". "Tuy điện toán liên tục thay đổi, nhưng hầu hết những công nghệ mới đều chỉ là những thay đổi đơn giản, không yêu cầu tổ chức phải thay đổi căn bản cách thức hoạt động của họ. Nhưng điện toán đám mây thì không như vậy. Nó đòi hỏi tổ chức phải thay đổi hoàn toàn cách họ tiếp cận với IT", Symantec phân tích.
Nguyên nhân chính khiến các tổ chức chùn tay chính là lo ngại về bảo mật và việc đội ngũ kỹ thuật thiếu chuyên môn về đám mây. Trong đó, bảo mật chính là mối lo số một, khi có tới quá nửa số doanh nghiệp được hỏi quan ngại về tình trạng bùng phát malware, hacker đánh cắp dữ liệu hay nhân viên vô tình chia sẻ thông tin nhạy cảm. Tuy vậy, đa số doanh nghiệp được hỏi tin rằng điện toán đám mây sẽ ngày càng hoàn thiện hoặc ít nhất không ảnh hưởng đến chuyện bảo mật của họ.
Thời gian đầu, nhiều doanh nghiệp đã đặt niềm tin vào Amazon, Microsoft, Salesforce, Google..., với hy vọng những nhà cung cấp này sẽ giúp họ cải thiện hiệu quả và quy mô mà không phải cài đặt phần cứng tốn kém. Hãng nghiên cứu Forrester từng dự đoán thị trường điện toán đám mây toàn cầu có thể tăng trưởng từ doanh thu 41 tỷ USD năm nay lên mức 241 tỷ USD vào năm 2020.
Symantec cho rằng, chính việc thị trường còn trứng nước đã dẫn tới sự vênh nhau giữa kỳ vọng với kết quả thực tế đạt được, nhất là trong những phương diện như khôi phục sau thảm họa, hiệu quả, chi phí và bảo mật.