Chiếc điện thoại iPhone đến Hàn Quốc đã mang lại những thay đổi đáng kể trong thị trường tiêu dùng ở xứ sở kim chi và đặt ra nhiều thách thức liên quan đến các ngành công nghiệp của nước này. Và với nhiều người Hàn Quốc, iPhone thực sự là một “mỏ vàng”.
Thoạt nhìn, anh chàng Yoo Ju-wan, 16 tuổi trông giống như bất kỳ một nam sinh cấp ba nào khác với những cái mụn trứng cá trên mặt và nụ cười luôn thường trực. Nhưng Yoo không phải là một anh chàng tuổi teen bình thường.
Yoo đã phát triển thành công được ứng dụng điện thoại rất phổ biến mang tên Kontact. Nhờ đó, cậu đã kiếm được hơn 10 triệu won (khoảng 8.643 USD) chỉ trong chưa đầy hai tháng.
Kontact chỉ có giá 99 cent và được bán thông qua AppStore, cho phép người sử dụng nhanh chóng tìm thấy địa chỉ liên lạc bằng cách gõ các chữ cái đầu tiên của tên. Cho đến nay, đã có hơn 200.000 lượt download ứng dụng này.
“Tôi không nghĩ các ứng dụng của tôi sẽ được phổ biến đến mức như thế”, Yoo nói.
Ứng dụng khác của Yoo với nhiệm vụ thông báo cho người sử dụng thời gian xe buýt đến hiện đang được cung cấp miễn phí. Ứng dụng này đã thu hút được hơn 250.000 lượt download trên AppStore. AppStore là kho ứng dụng trực tuyến của hãng Apple, nhà sản xuất chiếc điện thoại smarphone hàng đầu iPhone.
Yoo là một trong những nhà phát triển nội dung ở Hàn Quốc kiếm tiền triệu từ việc bán các ứng dụng nhờ vào xu hướng sử dụng những chiếc điện thoại smartphone ngày càng phổ biến ở xứ sở kim chi. Việc ra mắt của iPhone tại Hàn Quốc vào tháng 11/2009 đã mang một tên tuổi lớn vốn đã được chờ đợi rất lâu vào thị trường smartphone của nước này.
Thực tế, thị trường điện thoại smartphone đã tạo ra một sân chơi đẳng cấp cho các nhà phát triển nội dung. Trước đây, họ thực sự gặp khó khăn khi bán các ứng dụng của mình nếu không có mối quan hệ với các hãng cung cấp dịch vụ không dây.
Cơ hội vô biên
Hãng “Quả táo” Apple đã tạo ra AppStore. Đó là nơi các nhà phát triển có thể bán các ứng dụng di động của mình mà không cần phải được sự đồng ý từ các nhà khai thác. Với sự phổ biến rộng khắp của AppStore và iPhone, các nhà cung cấp thiết bị cầm tay và các nhà khai thác cũng đổ xô tạo ra chỗ đứng trên thị trường trực tuyến của riêng họ.
“Môi trường này đang chuyển từ các dịch vụ web sang các dịch vụ dành cho điện thoại di động, do đó, nó mở ra những cơ hội vô biên”, Lee Gi-won, người đứng đầu của công ty Neowiz Internet khẳng định.
Lĩnh vực di động là một “chiến trường” không chỉ dành cho cuộc đọ sức giữa các công ty Hàn Quốc và các công ty nước ngoài mà còn là đất để các công ty và các cá nhân tỷ thí với nhau, ông Lee nói.
"Đã đến lúc một nhóm thiểu số hoặc một cá nhân trở thành số 1”, ông Lee tuyên bố. Neowiz Internet là một nhà cung cấp các dịch vụ Internet. Công ty này cũng phát triển các ứng dụng dành cho smartphone.
Mối đe dọa và cơ hội cho các nhà khai thác
Sự phổ biến của những chiếc điện thoại smarphone đặt ra một mối đe dọa cho những nhà khai thác di động, những người từ lâu vẫn nắm quyền kiểm soát nội dung và các dịch vụ thông qua mô hình kinh doanh “vườn lô cốt” của họ.
“Trước đây các nhà khai thác, các nhà phân phối và các nhà cung cấp nội dung có vai trò riêng của họ. Nhưng hiện nay họ đang bị đẩy vào một cuộc cạnh tranh không có hồi kết”, một quan chức của Korea Mobile Internet Business Association nói.
Dưới sức ép ngày càng tăng từ phía người tiêu dùng và các hãng phân phối, các nhà sản xuất điện thoại đã phải giới thiệu những chiếc di động có khả năng kết nối Wi-Fi, cho phép người sử dụng truy cập miễn phí Internet di động. Trước đây, các nhà khai thác ít khi cung cấp những chiếc điện thoại kiểu này cũng như các thiết bị cầm tay cho phép người sử dụng không cần dùng đến mạng 3G của các hãng này và truy cập vào Internet vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, sau buổi ra mắt của iPhone với tính năng kết nối Wi-Fi, các nhà mạng đang lên kế hoạch tung ra nhiều chiếc điện thoại với khả năng nay hơn trong năm nay.
“Sự xuất hiện của iPhone đồng nghĩa với việc tháo dỡ cơ cấu quyền lực tồn tại đã lâu của các nhà khai thác di động. Đây cũng là những tín hiệu về sự khởi đầu của một hệ sinh thái kinh doanh mới”, Ham Seok-jin, chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu chiến lược truyền thông Hankyoreh nói.
Các hãng điện thoại của Hàn Quốc đã nỗ lực biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội khi cho ra mắt những mẫu smartphone với các kho ứng dụng của riêng mình. Những chiếc smartphone với ngày càng nhiều tính năng sẵn có dự kiến sẽ đem lại doanh thu lớn, tạo ra những nguồn lợi nhuận mới trong thời điểm thị trường di động nội địa sắp bão hòa.
Tuy nhiên, giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường smartphone, các hãng sản xuất điện thoại đang đổ nhiều tiền hơn vào việc tài trợ cho những mẫu smartphone mới. Trên thực tế việc ra mắt iPhone tại Hàn Quốc của KT được hãng khai thác chi rất nhiều tiền, và ngay lập tức đối thủ cạnh tranh của KT là SK Telecom cũng lao vào quảng cáo rùm beng cho chiếc smartphoen Omnia 2 của Samsung.
Cuộc cạnh tranh dự kiến sẽ ngày càng gay gắt hơn. Không chỉ các nhà khai thác di động và các hãng phân phối thiết bị cầm tay mà đến cả các nhà cung cấp nội dung, các hãng Internet và các nhà sản xuất PC cũng lao vào tranh giành miếng bánh lớn hơn. Các ngân hàng, các trung tâm mua sắm trực tuyến và các doanh nghiệp khác cũng tìm kiếm những nguồn lợi nhuận cho riêng mình giữa nhu cầu sử dụng smartphone ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đang phải đối mặt với những thách thức.
"Các công ty đang thi nhau nhảy vào thị trường smartphone. Nhưng nhiều người trong số họ thiếu những mô hình lợi nhuận khả thi”, Kweon Seong-in, giám đốc UbizValley, một nhà phát triển phần mềm di động nội địa khẳng định.