Các thuê bao trả trước từ già đến trẻ chầu chực từ sáng sớm tại các điểm giao dịch để đăng ký thông tin trong tâm trạng lo ngại bị cắt mất số, mất tiền đã nạp.
Ngày hôm nay là hạn chót đăng ký thông tin, tại điểm giao dịch của các mạng di động ở nhiều thành phố lớn nêm chặt người. Và lâu lắm rồi người ta mới lại được chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy như xếp hàng mua thực phẩm hồi bao cấp.
Dưới đây là ghi nhận của các phóng viên, cộng tác viên báo Bưu điện Việt Nam tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Huế.
TP.Hồ Chí Minh: Kẹt cứng ở các điểm giao dịch
Tại điểm giao dịch của MobiFone trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) khách hàng đông nghẹt. |
Theo quy định của Bộ TT&TT, hôm nay, ngày 31/12/2009 là hạn chót để các thuê bao di động trả trước (gồm thông tin đã đăng ký chưa chính xác, khách hàng sở hữu từ 3 SIM/mạng trở lên) phải đăng ký lại thông tin. Các thuê bao không tuân thủ quy định này sẽ bị cắt liên lạc.
Bộ TT&TT đã có thông báo về kế hoạch triển khai quản lý thuê bao di động trả trước từ ngày 25/9/2007, trong đó chính thức quản lý thuê bao trả trước bắt đầu từ ngày 1/1/2008 đến hết ngày 31/12/2009. Ban đầu, để tạo điều kiện cho thuê bao, việc đăng ký thông tin có thể qua SMS hoặc cổng thông tin của nhà mạng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, việc đăng ký bằng các hình thức này không đảm bảo thông tin chính xác nên đến tháng 9/2008, Thủ tướng đã chỉ đạo dừng việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước bằng hình thức nhắn tin và trên website. Các thuê bao buộc phải đến điểm giao dịch của mạng di động để khai báo thông tin
Gần 11 giờ trưa nay, điểm giao dịch của MobiFone trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) vẫn đông nghẹt. Khách hàng đến đăng ký lại thông tin thuê bao trả trước hoặc báo hủy sim mỗi lúc một nhiều. Mặc dù nhân viên giao dịch đã được tăng cường thêm và làm việc liên tục từ sáng sớm nhưng lượng khách hàng tới đăng ký vẫn còn rất đông.
Để tránh phải xếp hàng, anh Phan Thanh Bình (phường 9, quận 6) cho biết, ngay từ sáng anh đã tranh thủ chạy qua một số điểm giao dịch của MobiFone đường Võ Thị Sáu nhưng khoảng 9h khách hàng đã rất đông nên anh lại vòng qua điểm giao dịch ở đường Bà Huyện Thanh Quan. “Lòng vòng từ sáng tới giờ, gửi xe 2, 3 lần nhưng vẫn chưa đăng ký được”, anh Bình cho biết.
Tương tự như anh Bình, chị Nguyễn Thị Nụ (phường 5, quận 10) cũng vừa tất tả chạy đến điểm giao dịch mới, hy vọng ít khách hàng hơn. Chị Nụ vừa nói vừa thở “Đông lắm! Người nọ bảo người kia, ai cũng sợ hết hạn rồi mất số luôn nên bỏ công việc mà đi đăng ký. Tôi chờ bên kia chán quá rồi thấy còn lâu mới tới lượt, chiều bận chút việc, tính qua bên này xem có ít hơn không mà ở đây còn đông hơn. Chắc chiều phải huỷ hẹn mà đi đăng ký mới xong”.
Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, một nhân viên giao dịch của VinaPhone tại điểm giao dịch trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cho biết, càng tới gần hạn chót, lượng khách hàng đến đăng ký thông tin càng đông. Nguyên nhân là do ai cũng nghĩ đến ngày chót rồi đăng ký cũng được. Trung tâm cũng gửi tin nhắn đồng loạt đến thuê bao trả trước, thông đến 21h ngày hôm nay là hết hạn đăng ký nên lượng khách hàng đến giao dịch mỗi lúc một nhiều.
TP.Huế: thuê bao không chắc phải đăng ký lại không?
Sáng ngày 31/12, các trung tâm giao dịch mạng ĐTDĐ tại TP. Huế đều chật cứng người ra vào kiểm tra, đăng ký thông tin cá nhân thuê bao ĐTDĐ trả trước. |
Sáng ngày 31/12, hầu hết các trung tâm giao dịch mạng MobiFone và VinaPhone, Viettel ở TP. Huế đều chật cứng người ra vào đăng ký, kiểm tra thông tin cá nhân thuê bao ĐTDĐ trả trước. Nhiều người đang sử dụng sim thuê bao ĐTDĐ trả trước mặc dù đã đăng ký, nhưng để chắc ăn, họ vẫn đến nhờ nhân viên mạng mình đang sử dụng kiểm tra lại.
Tại trung tâm giao dịch Viettel ở số 45 Nguyễn Huệ, ngay từ đầu giờ sáng ngày 31/12, hàng trăm lượt người đã đến trung tâm để kiểm tra, đăng ký thông tin. Trung tâm đã phải huy động tối đa nhân viên phục vụ cả trong nhà và ngoài sân.
Qua quan sát, đối tượng đến đăng ký thuê bao gồm có nhiều người mặc dù đã đăng ký thông tin cá nhân thuê bao ĐTDĐ trả trước nhưng vẫn cẩn thận đến nhờ nhân viên kiểm tra lại; người mới đăng ký lần đầu và có nhiều người đi đăng ký hộ cho người thân bận công việc. Đối với trường hợp đăng ký hộ, nhân viên giao dịch đã từ chối thẳng thừng và yêu cầu đích thân thuê bao phải mang chứng minh nhân dân và sim của mình đến mới được.
Trong khi đó, tại các địa điểm giao dịch của MobiFone và VinaPhone cũng tấp nập người ra vào không kém. Một nhân viên của VinaPhone cho biết “các nhà mạng di động tại Thừa Thiên-Huế đã gửi tin nhắn kêu gọi đăng ký đến những khách hàng thuộc diện phải và nên đăng ký lại thông tin. Trường hợp cố tình không đăng ký thì nhà mạng buộc phải thực hiện theo quy định là chấm dứt hoạt động của thuê bao”.
Trả lời câu hỏi tại sao thuê bao trả trước đã đăng ký thông tin đầy đủ nhưng vẫn nhận được tin nhắn khuyến cáo đi đăng ký? Một nhân viên MobiFone tại Huế, nói: có thể vì thông tin của họ đã bị sử dụng để đăng ký cho nhiều sim thuê bao khác. Do vậy, nhà mạng khuyến cáo khách hàng đi đăng ký lại để chắc chắn sim đã được đăng ký đúng chủ thuê bao. Đây cũng là một cách để chấn chỉnh lại tình trạng một người đăng ký nhiều sim thuê bao di động trả trước.
Anh Lê Văn Tuấn, chủ số thuê bao trả trước 091…330 nói rất đồng tình với quy định đăng ký thông tin nhưng phàn nàn việc bắt buộc phải đến trực tiếp trung tâm giao dịch thì quá mất thời gian. Lẽ ra, các nhà mạng nên nghĩ cách làm sao để vừa có thông tin thuê bao vừa không gây phiền hà cho họ bởi xét cho cùng, đó không phải là lỗi của chủ thuê bao.
Hà Nội: bị ‘đuổi’ đi điểm giao dịch khác vì quá đông
Hôm nay, tại các điểm giao dịch của Viettel, MobiFone ở Hà Nội đông đến mức không có chỗ để xe, nhân viên trông xe thấy khách đến đã giục đi chỗ khác. Nhiều người phải chạy lòng vòng từ điểm giao dịch này đến điểm giao dịch khác. Xếp số, chờ đợi, sốt ruột, bức xúc… là tâm trạng của nhiều người đi đăng ký thông tin tại các điểm giao dịch.
Tại điểm giao dịch của MobiFone ở địa chỉ 34 Điện Biên Phủ, rất đông người dân đến đăng ký thông tin cá nhân.
Bác Ngô Đình Hải, cán bộ về hưu, từng công tác tại Sở Giáo dục Hà Nội, cho biết bác đã dùng số thuê bao trả trước đến hơn chục năm nay, đây là số bác được một người tặng. Khi kiểm tra thông tin, bác được biết số điện thoại của bác do một người khác đứng tên, và đã có đầy đủ thông tin cá nhân, vì thế bác không phải đăng ký nữa. Song điều đó cũng có nghĩa bác không phải là chủ sở hữu của số điện thoại bác đang dùng. Nhân viên giao dịch của MobiFone giải thích nếu muốn sở hữu, bác phải nhờ người đứng tên hiện tại, sang tên cho bác. Hiện tại mọi giao dịch gọi, nhắn tin… của bác vẫn bình thường, nhưng trong trường hợp mất số, hoặc xảy ra sự cố, bác không thể can thiệp cũng như giải quyết bất cứ gì với số điện thoại của bác. Bác Hải cho biết vấn đề là bác cũng không biết người đứng tên sở hữu số điện thoại của bác là ai, để liên lạc và yêu cầu người ta sang tên cho bác. “Thôi cứ tạm dùng tiếp vậy, số này tôi dùng đã hơn chục năm nay rồi. Chỉ sợ mất máy điện thoại, mất SIM thì tôi không biết làm thế nào”.
Hầu hết các thuê bao trả trước của MobiFone và Viettel cho biết trước đây họ từng nhận được tin nhắn phải đăng ký thông tin, song nghĩ thủ tục đơn giản, làm nhanh gọn nên vẫn chần chừ, chưa làm. Nay mới đổ xô đi làm trong ngày cuối của năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây họ không hề nhận được tin nhắn của nhà mạng nói phải đi đăng ký thông tin, nếu không hết ngày 31/12/2009 sẽ bị xóa số. Họ biết được hạn này nhờ đọc báo.
Trong khi đó, nhiều người cho biết trước đây đã từng nhắn tin để đăng ký thông tin, theo như nội dung tin nhắn của nhà mạng, nhưng vẫn không thấy tin nhắn phản hồi lại đã đăng ký được hay chưa. Đến tận hôm nay, lo lắng bị mất số, mất cả tiền trong tài khoản họ mới vội vàng đi đăng ký lại.
Nhiều người nói vì tiếc số tiền trong tài khoản còn nhiều nên phải vội vàng đi đăng ký, nhỡ đến mai người ta xóa số thì biết kêu ai. “Là nhân viên kinh doanh, ngày cuối năm rất bận rộn nhưng tôi vẫn phải chen chúc ở đây hơn hai giờ đồng hồ rồi vẫn chưa xong thủ tục”, một thuê bao trả trước tại điểm đăng ký của MobiFone cho biết.
Bác Tài, nhà ở quận Tây Hồ, cho biết ở khu vực quận không có điểm đăng ký của MobiFone nên bác phải ra đây. “Mà thực sự tôi cũng không biết điểm đăng ký thông tin ở đâu nữa, tìm quanh khu vực gần nhà, không thấy có nên tôi phải ra đây”, bác Tài nói.
Trong khi đó, tại điểm giao dịch của Viettel ở 50 Tam Đa, Hoàng Hoa Thám, cũng chật ních khách đăng ký thông tin. Cô Hà, một thuê bao trả trước, cho biết sáng nay đã đến địa điểm ở Giảng Võ để đăng ký, nhưng đông quá. “Có đến hàng nghìn người, nên tôi phải về đây”, cô nói và cho biết con gái cô sẽ đứng tên cho cả 3 người trong gia đình, và đi đăng ký thông tin. “Chứ nếu không cả ba người phải đi đăng ký đông đúc thế này thì vừa mệt vừa mất thời gian. Giờ biết có quy định 1 người được sở hữu 3 SIM trên một mạng, nên chúng tôi để con gái dùng chứng minh thư và đăng ký luôn cho cả 3 người. Chúng tôi chờ từ sáng đến giờ mà chưa xong, chắc vì nó đăng ký 3 số nên lâu”.
Tuy nhiên, không chỉ vì đăng ký 3 số một lúc mà mất nhiều thời gian, nhiều khách hàng khác cũng cho biết đã đến đây khoảng 1-2 tiếng rồi nhưng đông nên phải chờ. Các giao dịch viên ngồi bên trong, khách hàng xếp hồ sơ và chờ được gọi tên. Không khí ồn ào, nhốn nháo, có khách hàng bức xúc quá dẫn đến xảy ra cãi vã với nhân viên giao dịch. “Làm ăn thế này thật khó chịu, lại còn những người ở quê nữa, làm sao họ biết tin này. Mà ở vùng nông thôn, người dân chắc gì biết điểm giao dịch nằm ở chỗ nào”, một khách hàng bức xúc.
Tại điểm giao dịch của Viettel ở Tam Đa, khách hàng đến đông quá, khiến bảo vệ phải nói ngay từ ngoài “đến điểm Lạc Long Quân đi, ở đây đông lắm rồi”.
Các nhân viên giao dịch của Viettel cho biết họ sẽ chốt nhận hồ sơ vào 7h tối, sau thời điểm đó nếu có khách đến sẽ không nhận hồ sơ nữa. Những ngày gần đây, điểm giao dịch này vẫn làm việc bình thường, không làm thêm giờ.
Tại điểm giao dịch Viettel ở Tam Đa, Hoàng Hoa Thám sáng 31/12 |