Khi mua máy ảnh cũ, bạn nên mua trực tiếp từ người chủ máy thì có giá rẻ hơn, tuy nhiên, nếu máy đã hết bảo hành thì bạn chỉ được "bao test" vài ngày. Mua tại cửa hàng bán đồ cũ có thể giá đắt hơn, bù lại được bảo hành một vài tháng.
Bên cạnh những chiếc máy mới, hoạt động mua bán máy ảnh đã qua sử dụng (second-hand) cũng tấp nập không kém bởi tính hấp dẫn về giá cả. Sự lựa chọn cũng phong phú nên nhiều khi cũng phức tạp hơn. Những người mua máy cũ thường bị hấp dẫn bởi giá cả. Tuy nhiên, khi mua máy cũ, bạn cần lưu ý những điểm sau.
Các cửa hàng có thương hiệu bán máy cũ đắt hơn nhưng có bảo hành. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi mua, nên chọn các cửa hàng có thương hiệu (cửa hàng truyền thống hoặc online). Giá ở đây không rẻ hơn nhiều so với những model mới 100%, tuy nhiên, máy đã qua kiểm tra và được bảo hành 3 đến 6 tháng nên độ tin cậy cao hơn.
Mua trực tiếp từ người muốn bán có thể được giá hời nhất nhưng hầu như không có bảo hành. Đôi khi có "bao test" vài ngày. Nếu hư hỏng trả lại.
Cũng như mua máy mới, chọn máy cũ cũng phải tìm hiểu tính năng và chất lượng của dòng đó trước khi mua. Không nên mua những model quá cũ, sản xuất cách thời điểm hiện tại ngoài 2 năm bởi tuổi thọ của máy compact không dài, công nghệ một thời gian đã lạc hậu, pin Lithium có thể bị chai…
Phụ kiện đi kèm tốt nhất là còn đầy đủ: vỏ hộp, cáp, đĩa CD, pin… Nếu là pin AA thì người bán nên có pin và cục sạc luôn. Nếu được khuyến mại túi và thẻ thì càng tốt.
Mua máy cũ tốt nhất nên chọn model nào trầy xước tối thiểu. Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh. |
Khi kiểm tra máy tại chỗ cần chú ý hình thức bên ngoài. Tốt nhất là trầy xước tối thiểu và không có vết nứt (vỏ nhựa) hoặc móp nặng (vỏ kim loại), bởi khi máy bị va chạm hoặc rơi thì tuổi thọ sẽ giảm đi nhiều cho dù tại thời điểm hiện tại máy còn hoạt động tốt. Ống kính không bị bụi ở trong và xước ở ngoài. Vị trí ốc vít có bị xước hay không, nếu xước có nghĩa là máy đã được mở.
Nếu có thể yêu cầu người bán xạc đầy pin từ trước để có thể thử vận hành tại chỗ một khoảng thời gian đủ dài. Khi thử chú ý mở power, kéo zoom hết tầm vài lần đảm bảo không nghe tiếng zít, lọc xọc lớn quá mức. Các phím bấm chắc, phản ứng tốt, không bị lỏng lẻo, đặc biệt là nút chụp và nút zoom.
Kiểm tra màn hình LCD có điểm chết hay không, chụp tờ giấy trắng xem có xuất hiện điểm đen không. Có là cảm quang trục trặc. Chụp với flash trong vòng 3 mét xem cường độ có đủ không. Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi chủ cũ xem máy đã bị rớt nước bao giờ chưa, đã từng sửa chữa chưa. Đôi khi những người bán thật thà sẽ không giấu nếu được hỏi tới.
Và cuối cùng, “của bền tại người”. Cho dù là máy ảnh cũ, nhưng với sự bảo quản tốt và sử dụng đúng cách, bạn cũng có thể "bắt" nó phục vụ cho mình một thời gian dài. Sau đó không thích mà bán lại tiếp, bạn cũng không lỗ nhiều.