Hai đối thủ yếu thế trên thị trường tìm kiếm - quảng cáo trực tuyến muốn sát cánh bên nhau để có thể thách thức đại địch Google, tuy nhiên truyền thống và thực tiễn của luật chống độc quyền Mỹ từ lâu đã ngăn cản những thỏa thuận kiểu này.
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt
Đừng hy vọng rằng cuộc lương duyên Micro-hoo sẽ dễ dàng lướt qua rào cản pháp lý. Chắc chắn, Microsoft tin rằng các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ không quá hà khắc trước một bản hợp đồng, mà hai bên ký kết đều đang phải vật lộn mướt mồ hôi để có được chỗ đứng trên thị trường.
Thứ đến, thị phần của hãng Quán quân (Google) vượt quá xa so với cả Microsoft lẫn Yahoo, nên dù có kết hợp với nhau, Micro-hoo cũng chỉ có quy mô bằng một nửa so với đối thủ. Đấy chính là luận điệu mà cả Microsoft lẫn Yahoo! đều đang sử dụng để giải thích vì sao thỏa thuận 10 năm giữa họ không nên bị luật chống độc quyền "ném đá".
Mặc dù vậy, các chuyên gia luật đều nói thỏa thuận này không dễ "nhằn" chút nào, nhất là khi đội ngũ chống độc quyền mới của Tổng thống Obama đang rất hào hứng và phấn khích với việc sử dụng quyền năng của mình. Một số luật sư thậm chí còn dự đoán thỏa thuận này sẽ bị vùi dập, hoặc ít nhất là bị phản đối quyết liệt trước khi nhận được đèn xanh.
"Microsoft và Yahoo sẽ có một trận đấu nảy lửa và trày da tróc vẩy với giới Tư pháp", ông David Balto, cựu Giám đốc chính sách của Cục Cạnh tranh, Bộ Thương mại liên bang Mỹ, bình luận. "Chúng tôi không muốn thị trường trở nên tập trung hóa".
Đấy là chưa kể đến khả năng thương vụ sẽ bị tuýt còi tại châu Âu, nhất là khi vài năm trở lại đây, Ủy ban châu Âu tỏ ra quyết liệt và rắn mặt hơn các đồng nghiệp của Mỹ rất nhiều trong việc ngăn cản các vụ sáp nhập và liên minh quy mô lớn.
Nguy cơ có thật
Nguồn: Fayerwayer |
Chỉ vài giờ sau khi tin tức loan đi, một số cán bộ tư pháp đã không ngần ngại đe dọa sẽ "kiểm tra thỏa thuận kỹ lưỡng". Thượng nghị sĩ Herbert Kohn, Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền của Thượng viện khẳng định thương vụ "sẽ minh chứng cho sự kiểm duyệt kỹ lưỡng của chúng tôi".
"Tiểu ban đặc biệt lo ngại về vấn đề cạnh tranh trong những thị trường kiểu này, bởi chúng có khả năng tác động sâu rộng tới người dùng lẫn giới quảng cáo".
Một số chuyên gia phố Wall cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. "Chúng tôi tin việc chính phủ phê chuẩn không phải là bất khả thi, nhưng nguy cơ mà thỏa thuận bị phong tỏa hoặc giới hạn là có thật", chuyên gia Rebecca Arbogast nhận định.
Lần này, Microsoft và Yahoo sẽ phải chống lại bề dày hàng chục năm của chính sách và luật chống độc quyền, vốn hiếm khi cho phép hai đối thủ số 2 và số 3 trên thị trường kết hợp với nhau.
Để nhận được cái gật đầu từ chính phủ, hai hãng sẽ phải chứng minh việc "biến 2 thành 1" trong trường hợp này không những không thủ tiêu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh, từ đó làm lợi cho người dùng và kích thích sáng tạo.
Tháng 2/2000, Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ từng bác bỏ yêu cầu sáp nhập giữa Beech-Nut và H.J.Heinz, hai hãng có quy mô lớn thứ 2 và thứ 3 trong ngành thực phẩm trẻ em.
Phải điều chỉnh?
Lập luận khi đó của Beech-Net và Heinz cũng là để tăng khả năng cạnh tranh với Quán quân Gerber Products. Cụ thể, Gerber nắm trong tay 65% thị phần, trong khi Heinz kiểm soát 17% còn Beech-Nut chiếm 15%.
Công ty mẹ của Heinz và Beech Nut bảo vệ quan điểm của mình trên cơ sở vụ sáp nhập sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực đáng kể của hai bên, từ đó dẫn tới việc giảm giá sản phẩm một cách đáng kể.
Họ khẳng định lợi ích từ thương vụ vượt xa những ảnh hưởng tiềm ẩn. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã phản bác thành công rằng thị trường thực phẩm trẻ em sẽ bị giảm khá năng cạnh tranh và giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên.
Kể cả trong trường hợp giới tư pháp không ra tay chặt đứt thỏa thuận, họ vẫn có thể buộc các bên xem xét và chỉnh sửa lại nội dung. 10 năm là một khoảng thời gian dài bất thường, và có thể FTC sẽ buộc Microsoft, Yahoo phải giảm bớt sức nặng của thỏa thuẩn. "Họ có thể sẽ phải rút ngắn xuống thành 3 năm".
Ngoài ra, việc Yahoo được độc quyền bán quảng cáo tìm kiếm cho cả hai hãng cũng dễ bị xem là hành vi phản cạnh tranh.
Cuối cùng, chính trị cũng sẽ đóng một vai trò cực lớn trong thương vụ này, và thật không may, những lời tiên đoán dường như đều chống lại Microsoft lẫn Yahoo. Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền của Bộ Tư Pháp mỹ, bà Christine Varney đã tuyên bố: "Bộ cần xem xét và kiểm tra các thị trường hi-tech hoặc dựa trên nền tảng Internet", đồng thời cần đi đầu trong việc áp dụng luật chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ.