Công ty Microsoft có đủ nguồn lực kỹ thuật để cạnh tranh cùng Skype nhưng quyết định trả 8,5 tỷ USD mua lại Skype là vì cơ sở khách hàng của công ty dịch vụ điện thoại Internet này.
Đa số các nhà phân tích xem việc mua Skype với giá 8,5 tỷ USD (~173.469 tỷ đồng) của Microsoft là hành động phòng thủ, bởi công ty này vẫn không thể cạnh tranh ngang ngửa về dịch vụ Internet với các doanh nghiệp Internet như Google, Facebook và các công ty tương tự.
Ngăn không cho đối thủ nào đó mua được Skype, Microsoft đã chi một khoản tiền lớn, 8,5 tỷ USD, "mua béng" công ty này.
"Hiện thời, đang có một cuộc chiến ở quy mô cực lớn giữa các nhà khổng lồ Internet nhằm tranh giành người dùng các dịch vụ trực tuyến. Với Google, Apple, Facebook và Microsoft, điều quan trọng sống còn là phải có được càng nhiều người dùng càng tốt và chính đây mới là mục tiêu mua Skype của Microsoft", nhà phân tích đến từ CCS Insight Paolo Pescatore đoan chắc.
Theo ý kiến của Paolo Pescatore, vụ mua sắm này là hành động phòng thủ, nhiệm vụ của nó là ngăn không cho các đối thủ của Microsoft mua lại Skype. Từ quan điểm kỹ thuật, Microsoft thậm chí không cần đến vụ mua sắm này khi mà họ có đủ mọi nguồn lực để cạnh tranh với Skype. Tuy nhiên, tài sản chính của Skype là cơ sở người dùng, Magnus Rele, đối tác điều hành của tổ chức Greenwich Consulting Nordic nói.
Theo thông tin trên website chính thức của Skype, trong quý 2 năm rồi, trung bình hàng tháng có đến 124 triệu người sử dụng dịch vụ Skype; còn trong những thời gian cao điểm, Skype đón nhận cùng lúc 23 triệu người vào dùng. Nửa đầu năm 2010, tổng độ dài của các cuộc gọi video và thoại thông thường của người dùng là 95 tỷ phút, trong đó cuộc gọi video chiếm đến 40%.
Để cản trở đối thủ nào đó của mình có được cơ sở người dùng khổng lồ này, Microsoft đã trả cái giá rất cao: 8,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này không lạ, vì cứ khi nào Skype được đem ra bán thì người ta cũng đề cập đến những khoản tiền lớn, Katja Ruud, phân tích viên cao cấp của Gartner nói.
Hồi tháng 12/2010, các nhà phân tích của CCS Insight đã dự báo rằng việc mua Skype có thể mang lại cho Facebook cơ sở người dùng khổng lồ, bổ sung mỹ mãn cho cơ sở người dùng hiện có của Facebook. Nhờ Skype, Công ty Facebook có thể nhanh chóng bổ sung tính năng thoại hay chat video vào các dịch vụ trao đổi tin nhắn text trong mạng xã hội của mình.
Việc mua Skype cũng có lợi lớn đối với Google. Các dịch vụ của Google đang cạnh tranh với Skype như Google Talk và Google Voice đều kém xa Skype về độ nổi tiếng - Leif-Olof Wallin, một nhà phân tích khác của Gartner nói.
Vấn đề đối với Microsoft nằm ở chỗ sản phẩm của họ trùng lắp quá lớn so với chức năng của Skype: Microsoft có ứng dụng Windows Live Messenger, nhờ đó có thể gọi điện thoại qua Internet. Cả Skype và Microsoft đều có những giải pháp kết nối dùng cho doanh nghiệp. Microsoft cung cấp máy chủ kết nối đa năng cho phép kết nối các máy tính với hệ thống điện thoại doanh nghiệp và thực hiện từ đó cuộc gọi VoIP, sử dụng tin nhắn tức thời và liên lạc qua hội nghị truyền hình...
Trước đây, dịch vụ đó có tên là Communications Server, nay mang tên Lync. Có cả Lync Online - một dịch vụ đám mây đảm bảo các tính năng tương tự. Skype thì có hệ thống Skype Connect cho phép các công ty đấu nối hệ thống điện thoại doanh nghiệp của mình vào dịch vụ điện thoại Internet. Nhờ công cụ quản lý Skype Manager, các quản trị viên có thể kiểm soát chi phí cho các cuộc gọi.
Skype đã không còn là nguy cơ đối với các doanh nghiệp điện thoại di động và cố định nữa, theo Ben Wood, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của CCS Insight: Mặc dù Skype đã gây ra sự giảm giá đối với nhiều dịch vụ của các nhà khai thác truyền thống, điện thoại thông thường và điện thoại Internet vẫn song song tồn tại trong hoà bình.
Theo Wood, hợp đồng giữa Skype với Verizon Wireless mà theo đó, Skype thâm nhập vào một số smartphone của nhà khai thác này, đã khiến cho bản thân Skype trở thành "món hàng" hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, theo thông tin Wood có, ở Microsoft hiện thời chưa có quyết định sẽ làm gì với hệ thống điều hành Skype.
Skype cũng đã ký thoả thuận hợp tác với nhà khai thác 3G 3UK, theo đó, dịch vụ VoIP bắt đầu được sử dụng trong các nhóm thuê bao lớn. Trong một số trường hợp, Skype thậm chí đã giúp thu hút sự quan tâm tới các dịch vụ khác do nhà mạng của Anh này cung cấp, Pescatore nói.
Công ty Skype thành lập năm 2003. Năm 2005, Skype được bán cho eBay với giá 2,6 tỷ USD. Tháng 11/2009, một nhóm nhà đầu tư, trong đó có các công ty Silver Lake và Joltid cũng như Hội đồng đầu tư vào Quỹ lương hưu của Canada, Quỹ Andreessen Horowitz và các nhà sáng lập Skype Niklas Zennstrom và Janus Friis, đã mua 70% cổ phiếu của Skype. Theo các điều kiện của hợp đồng này, Skype khi đó trị giá 2,75 tỷ USD.